Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Anh A có hành vi lén lút vào nhà bà C trộm tài sản, khi anh A đã lấy trộm được 5 chỉ vàng và lên xe chuẩn bị chạy đi thì bị bà C phát hiện kéo đầu xe lại ngăn cản không cho anh A bỏ chạy và hô hào. Lúc này anh A có hành vi điều khiển xe máy đâm thẳng vào bà C để tẩu thoát hậu quả làm bà C bị thương nhẹ ở chân. Anh A bị truy tố tội cướp tài sản. Tuy nhiên, có nhiều người phân tích anh A phạm tội trộm cắp tài sản, thuộc trường hợp "hành hung để tẩu thoát". Thưa Luật sư, anh A trong trường hợp này phạm tội trộm cắp tài sản hay cướp tài sản?

Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Trường hợp của anh A để xác định tội danh giữa tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS 2015) hay tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS 2015), đặc biệt liên quan đến tình tiết "hành hung để tẩu thoát" cần phân tích rõ ràng một số vấn đề sau đây:

1. Đối với tội trộm cắp tài sản (Điều 173 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017)

1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

g) Tái phạm nguy hiểm.

Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản mà không dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc thủ đoạn khác nhằm làm tê liệt ý chí của chủ tài sản.

Anh A đã thực hiện hành vi lén lút vào nhà bà C trộm 5 chỉ vàng, tức là hành vi ban đầu thỏa mãn dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, khi bị phát hiện và bị chặn lại, anh A dùng xe máy đâm thẳng vào bà C để tẩu thoát, gây thương tích cho bà C.

2. Đối với tội cướp tài sản (Điều 168 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017)

Điều 171. Tội cướp giật tài sản

1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ) Hành hung để tẩu thoát;

Tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc thủ đoạn khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Nếu ngay từ đầu, anh A dùng vũ lực để chiếm đoạt tài sản thì chắc chắn bị truy cứu về tội cướp tài sản.

Tuy nhiên trong trường hợp này, hành vi dùng vũ lực (đâm xe vào bà C) xảy ra sau khi tài sản đã bị chiếm đoạt và bị phát hiện nên cần xác định hành vi hành hung bà C nhằm tẩu thoát hay để chiếm đoạt bằng được tài sản ban đầu, từ đó mới có thể kết luận có việc chuyển hoá tội danh từ "Trộm cắp tài sản" sang "Cướp tài sản" hay không?

3. Phân tích hành vi "Đâm xe vào bà C để bỏ trốn" là tình tiết định khung tăng nặng của tội trộm cắp tài sản hay chuyển hoá tội danh Cướp tài sản:

Tại Mục 6 Phần I, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP quy định về tình tiết hành hung để tẩu thoát của tội trộm cắp tài sản như sau:

“6.1. Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát.”

Đồng thời, Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP cũng quy định:

“6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản.”

Dựa trên hướng dẫn tại Thông tư này, có thể xác định chính xác tội danh của anh A trong trường hợp trên như sau:

- Xác định hành vi của anh A

+ Anh A đã lén lút trộm được 5 chỉ vàng và lên xe bỏ trốn.

+ Khi bị bà C phát hiện và chặn lại, anh A điều khiển xe máy đâm thẳng vào bà C để tẩu thoát, làm bà C bị thương.

- So sánh với các quy định của Thông tư liên tịch số 02/2001

Trường hợp "hành hung để tẩu thoát" (Mục 6.1 Thông tư 02/2001):

+ Người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản.

+ Khi bị phát hiện và ngăn chặn, anh ta hành hung người cản trở để thoát thân.

➡ Tình huống này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Mục 6.1, tức là hành vi “hành hung để tẩu thoát” trong tội trộm cắp tài sản (Khoản 2 Điều 173 BLHS)

Trường hợp tội cướp tài sản (Mục 6.2 Thông tư 02/2001):

+ Nếu anh A chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt nhưng bị giành lại, sau đó tấn công người khác để tiếp tục lấy tài sản, thì đó mới là tội cướp tài sản.

+ Trong vụ việc này, anh A không bị giành lại tài sản, cũng không dùng vũ lực để tiếp tục chiếm đoạt tài sản mà chỉ hành hung để chạy thoát.

➡ Do đó, anh A không phạm tội cướp tài sản theo Điều 168 BLHS mà phù hợp với tội Trộm cắp tài sản với tình tiết định khung tăng nặng tại Khoản 2 Điều 173 BLHS.

Đồng thời, anh A có thể bị truy cứu tội cố ý gây thương tích (Điều 134 BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017) nếu thương tích của bà C đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

4. Kết luận

Việc truy tố anh A về tội cướp tài sản là không chính xác. Đúng ra, anh A phải bị truy tố về tội trộm cắp tài sản có tình tiết tăng nặng "hành hung để tẩu thoát" theo Khoản 2 Điều 173 BLHS 2015 và tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS 2015 (nếu có đủ yếu tố cấu thành).

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt, bạn vui lòng liên hệ:

=================================================================================

 

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer