Xin chào Luật Sao Việt, anh trai tôi là cán bộ quản giáo thuộc Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện A, anh tôi được phân công trực tầng 2 Nhà tạm giữ Công an huyện A. Ngày 01/11/2023, can phạm V được phân vào tầng 2 do anh tôi quản lý. Do đang bị tạm giữ nên V bị thu tất cả các tư trang, vật dụng cá nhân, V liền xin anh tôi được sử dụng điện thoại di động cá nhân để liên lạc với người nhà. Anh tôi đồng ý cho V mượn điện thoại cá nhân để liên lạc; lúc đó anh tôi có nói cho V biết về việc V sắp bị di lý sang nơi giam giữ khác và gợi ý V bỏ ra 10.000.000 VNĐ đưa cho anh tôi để anh tôi sắp xếp cho V ở lại nhà tạm giữ này. V đồng ý và bảo người nhà chuyển khoản 10.000.000 VNĐ vào tài khoản của anh tôi. Anh tôi nhận và sử dụng vào việc tác động cho V và tiêu dùng cá nhân. Ngày 15/12/2023, anh tôi bị tố giác và đình chỉ công tác, xin hỏi anh tôi sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, anh bạn là cán bộ quản giáo thuộc Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an huyện A. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng 2018, tư cách pháp lý của anh bạn được xác định là người có chức vụ quyền hạn vì:

2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

Và theo khoản 2, khoản 4 Điều 3 Thông tư 31/2016/TT-BCA, quản giáo ở cơ sở giáo dục bắt buộc không được:

+ Vay, mượn, xin, mua, bán, đổi hoặc nhận tiền, quà biếu của trại viên và thân nhân của họ dưới bất kỳ hình thức nào.

+ Cho trại viên sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc trái quy định, cho tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong thời gian quản lý trại viên”.

Như vậy, anh bạn là cán bộ quản giáo - là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật

Thứ hai, anh bạn được phân công trực tầng 2 và đã có hành vi liên hệ với V để nhận tiền 10.000.000 VNĐ nhằm tác động cho V được ở lại Nhà tạm giữ Công an huyện A. Mà theo Điều 10 Thông tư 31/2016/TT-BCA quy định về quyền hạn của cảnh sát quản giáo,  anh bạn không có quyền quyết định phạm nhân có được ở lại nhà tạm giữ hay không.

Điều 10. Quyền hạn của Cảnh sát quản giáo

1. Được áp dụng các biện pháp chuyên môn theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an để quản lý, giáo dục trại viên.

2. Phối hợp với Đội Cảnh sát bảo vệ - cơ động, các đội nghiệp vụ khác để phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật và Nội quy cơ sở giáo dục bắt buộc; kiểm tra thư, các loại quà của trại viên; giám sát nội dung các cuộc nói chuyện điện thoại của trại viên theo quy định của Nghị định số 02/2014/NĐ-CP ngày 10/01/2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.

3. Xây dựng kế hoạch, phối hợp với các đội nghiệp vụ trong việc quản lý, giáo dục trại viên.

4. Chủ động, phối hợp, đề xuất và tham gia cuộc họp xét, đề nghị nâng, hạ loại và tổ chức quản lý trại viên theo loại; xếp loại chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính còn lại của quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc cho trại viên.

5. Phối hợp với cán bộ trực cơ sở giáo dục bắt buộc lựa chọn, giới thiệu trại viên thuộc tổ, đội trại viên để bầu vào Ban tự quản trại viên; đề xuất bãi miễn thành viên Ban tự quản thuộc tổ, đội trại viên khi trại viên đó vi phạm Nội quy cơ sở giáo dục bắt buộc, không đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ hoặc vì lý do chính đáng khác.

6. Phối hợp với các đội nghiệp vụ đề nghị khen thưởng, kỷ luật, gia hạn kỷ luật, giảm thời hạn kỷ luật cho trại viên thuộc tổ, đội trại viên”.

Như vậy, anh bạn không có quyền quyết định về việc V có thể được ở lại Nhà tạm giữ Công an huyện A, nhưng lại trao đổi và nhận 10 triệu của V để sắp xếp việc tạm giữ cho V. Như vậy, hành vi của anh bạn được xem là hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn bởi theo khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP: 5. “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” quy định tại khoản 1 Điều 355 của Bộ luật Hình sự là sử dụng vượt quá quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc tuy không được giao, không được phân công nhiệm vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó nhưng vẫn thực hiện.

Với số tiền thu lợi bất chính là 10.000.000 VNĐ, anh bạn đã phạm vào khoản 1 Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 – Tội lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản và sẽ phải chịu mức phạt tù từ 01 năm đến 06 năm. Đồng thời, anh bạn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: Cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):

1. Người nào lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm:

a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 13 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

e) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 13 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Trân trọng mến chào./

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer