Cháu hiện đang là học sinh lớp 11. Hôm trước cháu sang nhà bạn chơi và có chứng kiến việc ông ngoại của bạn cháu bị nhóm đòi nợ thuê đến đánh. Hôm đó sau khi cháu gọi người đến đưa ông bạn đi viện thì cháu về nhà luôn nên không biết tình hình như thế nào. Nay các chú công an đến nhà cháu nói chuyện với bố mẹ và nói cháu đến cơ quan công an để cho lời khai làm chứng. Vậy cho cháu hỏi người làm chứng thì có nghĩa vụ gì và pháp luật có quy định nào bảo vệ cháu không? Cháu sợ nếu đứng ra làm chứng sẽ bị trả thù.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Người làm chứng là người biết được những tình tiết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng triệu tập đến làm chứng (Theo Khoản 1 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015)

Nghĩa vụ của người làm chứng được nêu rõ ràng tại khoản 4, 5 Điều 66 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 như sau:

1. Phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải;

2. Trình bày trung thực những tình tiết mà mình biết liên quan đến nguồn tin về tội phạm, về vụ án và lý do biết được những tình tiết đó.

Do đó, khi nhận được giấy triệu tập của bên công an, bạn cần có mặt theo đúng thời gian được hẹn và cần trình bày trung thực những tình tiết bạn đã biết trong vụ việc ông ngoại bạn của bạn bị nhóm côn đồ đánh bị thương.

Về quy định lấy lời khai đối với người chưa thành niên, theo Điều 15 Thông tư số 01/2011/TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/7/2011 của Viện kiểm sát  nhân dân tối cao- Tòa án nhân dân Tối cao- Bộ Công an – Bộ Tư pháp – Bộ lao động, thương binh và xã hội hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên thì việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra hoặc tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên cần được bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Do đó, nếu bạn không muốn tới cơ quan công an thì có thể yêu cầu điều tra viên lấy lời khai tại nhà.

Ngoài ra, khi lấy lời khai của người làm chứng là trẻ em, cơ quan tiến hành tố tụng phải mời cha mẹ, người đỡ đầu, người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy cô giáo của người đó tham dự.

Về việc bảo vệ quyền lợi cho người làm chứng:

 Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 66 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định:

“3. Người làm chứng có quyền:

...

b) Yêu cầu cơ quan triệu tập bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;...”

Như vậy, bạn có quyền yêu cầu cơ quan công an bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa. Bạn cũng có thể chia sẻ về lo lắng này với cán bộ lấy lời khai để bên cơ quan điều tra có những biện pháp thích hợp phòng ngừa nguy hiểm đối với bạn.

Vì bạn mới học lớp 11, còn chưa thành niên nên pháp luật có rất nhiều quy định nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ làm chứng của bạn được thoải mái và đúng với quy định. Bạn không cần lo lắng và cứ yên tâm thực hiện việc khai báo của mình.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer