Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ vị thành niên ( người trong độ tuổi từ 10 – 18 tuổi) đã khiến cộng đồng mạng dậy sóng, nhiều người lo ngại và bức xúc trước sự xuống cấp đạo đức, không có lương tâm của những kẻ gây ra vụ việc. Đối với trẻ vị thành niên – bị hại trong các vụ án, điều này không chỉ xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ mà còn là cú sốc tinh thần, gây ám ảnh trong tâm lý của trẻ.
Ảnh minh họa: Internet
Xuất phát từ những lẽ trên, Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định việc xét xử kín đối với các vụ việc xâm hại tình dục trẻ vị thành niên để giảm thiểu, hạn chế tác động đến cuộc sống sau này của trẻ:
“Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai” (Điều 25 BLTTHS năm 2015)
Theo Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều từ 141 đến 147 BLHS ( gồm tội hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm, cưỡng dâm người từ đủ 13 – dưới 16 tuổi, dâm ô với người dưới 16 tuổi, Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm) và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục trẻ dưới 18 tuổi, theo đó các quy định liên quan đến việc xét xử kín như sau:
Thứ nhất, về thời hạn xét xử:
Thời hạn xét xử vụ án xâm hại tình dục có bị hại là người dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:
- Áp dụng thủ tục rút gọn đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự;
- Đưa các vụ án khác ra xét xử trong thời hạn không quá ½ thời hạn pháp luật cho phép đối với các trường hợp tương ứng.
Thứ hai, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án phải thực hiện:
- Xét xử kín, tuyên án công khai theo đúng quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Khi tuyên án, Hội đồng xét xử chỉ đọc phần quyết định trong bản án;
- Phân công Thẩm phán có kiến thức hoặc kinh nghiệm xét xử các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi;
- Khi tham gia xét xử, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân, không mặc áo choàng;
- Xử án tại Phòng xét xử thân thiện theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28 tháng 7 năm 2017 và Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
- Có sự tham gia của người đại diện, người giám hộ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuồi.
Khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, căn cứ vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể, Tòa án cần thực hiện:
- Hạn chế triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa nếu vẫn giải quyết được vụ án bằng việc áp dụng các biện pháp thay thế khác (ví dụ: sử dụng lời khai của họ ở giai đoạn điều tra, truy tố; mời họ đến Tòa án hoặc địa điểm hợp pháp khác để lấy lời khai trước bằng văn bản, bằng ghi âm, ghi hình có âm thanh...).
- Trường hợp phải triệu tập bị hại là người dưới 18 tuổi đến phiên tòa, Tòa án cần tạo điều kiện để họ làm quen, tiếp xúc với môi trường Tòa án, với quy trình và thủ tục xét xử; bố trí cho họ ngồi ở phòng cách ly và sử dụng các thiết bị điện tử (ví dụ: micro, loa, ti vi, camera...) để không làm ảnh hưởng đến tâm lý của họ khi họ khai báo, tham gia tố tụng tại phiên tòa; trường hợp không bố trí được phòng cách ly thì để họ ngồi ở phòng xử án nhưng phải có màn che ngăn cách với khu vực của bị cáo và khoảng cách giữa Hội đồng xét xử với người bị hại là người dưới 18 tuổi không quá 03 mét.
- Câu hỏi đối với bị hại là người dưới 18 tuổi phải phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa, hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu; không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc; chỉ đặt câu hỏi làm rõ tình tiết vụ án; không đặt câu hỏi chỉ để tranh luận. Câu hỏi đối với bị hại dưới 10 tuổi không quá 10 từ và thời gian hỏi không liên tục quá 01 giờ.
- Sử dụng sơ đồ hoặc mô hình cơ thể có đánh số thứ tự các bộ phận để người bị hại là người dưới 18 tuổi xác định các bộ phận bị xâm hại.
- Khi bị cáo đề nghị được hỏi bị hại là người dưới 18 tuổi thì phải chuyển câu hỏi cho người bào chữa hoặc Hội đồng xét xử hỏi.
Đồng thời, Tòa án phải xem xét và đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ phù hợp theo quy định tại Chương XXXIV của Bộ luật Tố tụng hình sự khi bị hại, người thân thích của bị hại yêu cầu hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiến nghị bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của bị hại, người thân thích của họ.
Thứ ba, khi xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, Tòa án không được:
- Yêu cầu bị hại là người dưới 18 tuổi tường thuật lại chi tiết quá trình phạm tội;
- Sử dụng câu hỏi có tính chất công kích, đe dọa, gây xấu hổ, xúc phạm bị hại;
- Đối chất giữa bị hại với người phạm tội tại phiên tòa;
- Xác định bộ phận bị xâm hại bằng cách để bị hại là người dưới 18 tuổi chỉ trực tiếp vào bộ phận cơ thể của mình hoặc của người khác;
- Để bị cáo hỏi trực tiếp bị hại là người dưới 18 tuổi;
- Buộc bị hại là người dưới 18 tuổi phải đứng khi tham gia tố tụng tại phiên tòa;
- Công khai bản án, quyết định của Tòa án liên quan đến vụ án trên cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Thứ tư, các trường hợp loại trừ xử lý hình sự:
- Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Người trực tiếp chăm sóc, giáo dục người dưới 10 tuổi, người bệnh, người tàn tật, có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của họ nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: cha, mẹ tắm rửa, vệ sinh cho con dưới 10 tuổi; giáo viên mầm non tắm rửa, vệ sinh cho trẻ mầm non...);
b) Người làm công việc khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế; người cấp cứu, sơ cứu người bị nạn có hành vi tiếp xúc với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi nhưng không có tính chất tình dục (ví dụ: bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân; sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn, người bị đuối nước...).
- Không xử lý hình sự theo quy định tại Điều 147. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm đối với trường hợp người làm công tác giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế mô tả bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của con người vì mục đích giáo dục, khám, chữa bệnh, chăm sóc y tế.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com