Chào Luật sư, tôi xin được tư vấn vấn đề như sau: Tôi đang tham gia giao thông bằng phương tiện xe bán tải trên đường, vì gặp một người tham gia giao thông lạng lách, đánh võng trên đầu xe tôi nên tôi đã đánh lái tránh xe đi hẳn vào lề đường cùng chiều. Cùng lúc đó có xe máy cũng đi cùng chiều va chạm vào đường sau xe của tôi, rất may người không sao xe hư hỏng nhẹ. Công an đã đến hiện trường và đã tạm giữ phương tiện của tôi lại. Vậy luật sư cho tôi hỏi quy trình xử lý khi có tai nạn giao thông đường bộ như thế nào, phương tiện của tôi có được lấy lại không ?
Hình ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Trả lời:
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi.Với tình huống này,Luật sư Sao Việt xin có quan điểm tư vấn như sau:
Một trong những nguyên tắc khi xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường bộ đó là tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện; các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, xử lý tin báo về tai nạn giao thông phải khẩn trương cử cán bộ đến hiện trường để giải quyết theo quy định pháp luật. Khi đó các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ. Theo quy định tại Điều 10 Thông tư 63/2020/TT-BCA và Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2020) thì:
Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt.
b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;
c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định
Chú ý: Khi tạm giữ và trả phương tiện phải có quyết định và biên bản theo quy định của pháp luật.
>> Như vậy, nếu sau khi khám nghiệm xe của bạn xong và xác định việc không có lỗi thì cơ quan điều tra phải trả xe lại ngay cho bạn. Nếu vẫn chưa xác định được hoặc xác định là bạn có lỗi trong quá trình điều khiển xe gây tai nạn thì xe của bạn phải được tạm giữ theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Căn cứ quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính thì:
"Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề…."
Theo như thông tin mà bạn cung cấp, sau khi xảy ra vụ tai nạn giao thông, CSGT đã tiến hành lấy lời khai những người ngồi trên xe ô tô và ra quyết định tạm giữ xe ô tô, bằng lái xe của bạn 30 ngày là đúng theo quy định của pháp luật về quy trình xử lí tai nạn giao thông.
Trường hợp phát hiện những dấu hiệu tội phạm trong vụ tai nạn giao thông này thì CSGT có trách nhiệm bàn giao xe của bạn cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền. Trong trường hợp này, xe của bạn sẽ được tạm giữ theo quy định về thu thập và bảo quản vật chứng theo quy định của BLTTHS. Theo quy định tại khoản 2-Điều 106 BLTTHS 2015:
“2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.”
Cũng theo quy định tại Thông tư 63/2020/TT-BCA, việc điều tra khi xảy ra tai nạn giao thông đường bộ được thực hiện qua các bước cơ bản sau:
- Nhận tin và xử lý tin báo về vụ tai nạn giao thông
- Thực hiện các công việc cần làm ngay khi tới hiện trường vụ tai nạn: tổ chức cấp cứu người bị nạn, kiểm tra phương tiện, giấy tờ của những người liên quan, báo cho gia đình hoặc cơ quan, đơn vị người bị nạn, tổ chức bảo vệ hiện trường, tổ chức giao thông,...
- Kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng sự đi lại thì đánh dấu vị trí phương tiện giao thông, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện rồi đưa vào vị trí thích hợp để bảo quản.
- Tổ chức bảo vệ hiện trường:
- Tổ chức giao thông:
- Khám nghiệm hiện trường (phải lập thành biên bản); phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn; cầu, đường, bến phà liên quan đến tai nạn giao thông; thân thể người bị nạn
- Khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông
- Tạm giữ phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan
- Dựng lại hiện trường
- Ghi lời khai
- Giám định chuyên môn
- Đánh giá sơ bộ tỉ lệ thương tật của người bị nạn
- Xem xét kết quả điều tra và quyết định về việc giải quyết vụ tai nạn giao thông.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896
E-mail: saovietlaw@vnn.vn