Vừa qua báo chí đưa tin về vụ thanh niên sinh năm 1998 tại Hải Phòng cướp ngân hàng và dùng tiền đó đi mua chiếc xe phân khối lớn nhưng đã bị bắt tại Thái Nguyên. Cho tôi hỏi khi bị bắt như vậy, chiếc xe mà đối tượng mua sẽ được xử lý như thế nào, thu hồi hay trả cho cửa hàng bán xe?
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Vụ án cướp ngân hàng ở Hải Phòng đang thu hút sự chú ý của dư luận những ngày qua do có tình tiết khá “ hài hước” là tên cướp sau khi gây án đã lên Hà Nội bỏ ra khoản tiền hơn 700 triệu đồng mua chiếc xe phân khối lớn Kawasaki ZX-10R được mệnh danh là “thần sấm”.
Ngày 9/1, lãnh đạo phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng cho biết, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ Công an TP Hải Phòng và Công an tỉnh Thái Nguyên bắt giữ nghi phạm cướp ngân hàng là Nguyễn Văn Nam (trú Cát Hải, TP Hải Phòng).
Trong vụ án này, ngoài trách nhiệm hình sự đặt ra với nghi phạm Nguyễn Văn Nam thì dư luận cũng có sự quan tâm rất lớn đến số phận của chiếc xe phân khối lớn mà đối tượng dùng tiền cướp từ ngân hàng để mua. Liên quan đến vụ việc, với số tiền cướp lên đến 3 tỷ đồng, Nguyễn Văn Nam có thể phải đối mặt với khung hình phạt 18-20 năm tù hoặc tù chung thân, theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội Cướp tài sản.
Đối với chiếc xe phân khối lớn được Nam mua với giá 700 triệu đồng, được coi là tài sản do phạm tội mà có. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011, hướng dẫn áp dụng quy định về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội Rửa tiền: “Tài sản phạm tội mà có là tài sản do người phạm tội có được, từ việc trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội hoặc từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản phạm tội”. Vì vậy, chiếc xe cùng số tiền còn lại sẽ bị tịch thu.
Tuy nhiên, việc xử lý tài sản là việc không hề đơn giản và khá phức tạp, khi thực hiện giao dịch mua bán một chiếc xe, người mua chỉ được coi là chủ sở hữu khi đang được làm thủ tục sang tên chính chủ chiếc xe đó, giấy đăng ký xe là giấy tờ chứng minh quyền tài sản và là căn cứ để chủ sở hữu xe thực hiện các quyền của chủ sở hữu theo Điều 164 BLDS quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản.
Từ những quy định trên, trong vụ án này, số phận của chiếc xe phân khối lớn sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Xử lý theo quy định tại Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Đối với trường hợp này, chiếc xe được coi là tài sản do người phạm tội có được hay nói cách khác, chiếc xe đã được sang tên chủ sở hữu cho Nam và có đủ căn cứ xác định điều đó. Theo đó chiếc xe sẽ bị tịch thu, xử lý xung công quỹ dưới hình thức thanh lý bởi khi đó chiếc xe được coi là một phần vật chứng của vụ án, quy định tại Khoản 2 Điều 106 BLTTHS 2015:
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
Trong trường hợp này, cửa hàng bán xe cũng không còn trách nhiệm với chiếc xe này và cũng không buộc phải trả lại số tiền 700 triệu đồng mà Nam đã mua xe.
Trường hợp 2: Chiếc xe chưa được sang tên cho Nam và mới chỉ có giấy mua bán xe
Trường hợp này, Nam chưa được coi là chủ sở hữu chiếc xe, trên thực tế chủ cửa hàng bán xe mới là chủ sở hữu chiếc xe, khi đó chiếc xe được coi là vật chứng liên quan đến vụ án và sau 04-06 tháng cơ quan điều tra xong thì chiếc xe sẽ được trả về chủ sở hữu thực sự của nó, căn cứ tại điểm b, khoản 3, điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên việc trả xe này chỉ thực hiện được nếu Nguyễn Văn Nam đồng ý, không phản đối không có tranh chấp. Trong trường hợp Nguyễn Văn Nam có tranh chấp với đơn vị bán xe thì việc tranh chấp này được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Đơn vị bán xe sẽ phải yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán xe bị vô hiệu do vi phạm điều cấm, cụ thể là người mua đã sử dụng số tiền do phạm tội mà có, số tiền không hợp pháp để mua xe. Việc cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết được phần dân sự- trả lại xe cho đơn vị bán xe trong quá trình giải quyết vụ án hình sự sẽ đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của đơn vị bán xe.
Như vậy, trong vụ án này số phận của chiếc xe sẽ được quyết định khi xác định rõ chủ sở hữu thực sự của nó là Nguyễn Văn Nam hay chủ cửa hàng bán xe. Tuy nhiên vụ án xảy ra được 2 ngày thì Nam bị bắt, trong thời gian như vậy thì việc sang tên chủ sở hữu chiếc xe cho Nam có khả năng cao sẽ chưa thực hiện và giải quyết xong vì vậy số phận chiếc xe có khả năng sẽ nằm trong trường hợp 2 như đã nêu bên trên.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với vấn đề này. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các khúc mắc cần được giải đáp, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com