Cho tôi hỏi về trường hợp bạn tôi vừa qua đã sử dụng đồng phục công an không rõ nhằm mục đích gì nhưng sau khi mặc ra ngoài bị công an phường phát hiện và triệu tập lên phường để giải quyết vụ việc. Trong trường hợp này thì bạn tôi sẽ bị xử lý như thế nào?
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Tình trạng giả mạo công an trên thực tế hiện nay đang xảy ra rất nhiều. Có nhiều người mượn đồ từ những người quen làm trong ngành hoặc tự đặt mua quân phục, đồ dùng của lực lượng vũ trang sử dụng nhằm mục đích giả mạo bản thân là công an. Những người đó thực hiện hành vi giả mạo với nhiều mục đích khác nhau, lợi dụng uy tín của lực lượng công an để thực hiện những hành vi hướng đến mục đích cá nhân và đã không ít trường hợp dùng vào việc lừa đảo lòng tin của người khác.
Tùy từng trường hợp vi phạm cũng như tính chất, mức độ vi phạm, các đối tượng mặc quân phục khi không phải công an sẽ bị xem xét, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật hình sự 2015
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP
- Nghị định 82/2016/NĐ-CP
Trong trường hợp của bạn đang thắc mắc thì người bạn kia sử dụng đồng phục công an để mặc ra ngoài và chưa rõ mục đích của hành vi đó là gì, quân phục công an chỉ được sử dụng cho những người thuộc lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, hành vi người bạn của bạn không phải là người thuộc lực lượng Công an mà sử dụng trang phục công an là sai quy định của pháp luật và hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân:
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này.
5. Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Điều 19 cũng quy định các mức phạt khác với các hành vi vi phạm về quản lý; sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân như:
- Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng đối với hành vi mua; bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.
- Phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục; cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu.
Như vậy, đối với hành vi mua bán, sử dụng trái phép trang phục công an có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt cao nhất lên đến 30 triệu đồng. Trường hợp đó là trang phục mượn của người quen biết để sử dụng thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng và có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm là quân phục.
Trường hợp cơ quan chức năng điều tra và phát hiện mục đích sử dụng đồng phục công an, giả mạo công an để thực hiện những hành vi lừa đảo người khác nhằm mục đích trục lợi, chiếm đoạt tài sản thì người giả mạo công an đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015.
Theo đó người nào sử dụng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác từ 02 triệu – dưới 50 triệu có thể bị phạt từ từ 06 tháng – 3 năm.
Tùy theo mức độ vi phạm hành vi mặc đồ công an đi lừa đảo nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị phạt tù với khung hình phạt cao nhất từ 20 năm hoặc chung thân. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung phạt tiền từ 10 triệu – 100 triệu, đồng thời cấm đảm nhiệm chức vụ từ 01-05 năm.
Ngoài ra còn một trường hợp không thực hiện hành vi lừa đảo nhưng vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người thực hiện hành vi giả mạo công an có thực hiện hành vi giả mạo chức vụ, cấp bậc và vị trí công tác. Xử lý theo quy định tại Điều 339 Bộ luật hình sự 2015 với mức phạt là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com