Mới đây, khi đang đứng trên cầu nhìn xuống thì tôi có thấy hai người đàn ông thách thức nhau bơi qua con sông. Tuy nhiên, khi bơi được giữa sông thì một người đàn ông có biểu hiện đuối nước. Bản thân tôi là biết bơi nhưng khi nhìn nước chảy xiết nên không dám nhảy xuống cứu. Sau đó người đàn ông kia bị chết đuối. Vì là người chứng kiến toàn bộ sự việc nên tôi được cơ quan công an mời lên làm việc nhiều lần. Tôi được biết là nếu thấy người khác bị nguy hiểm tính mạng mà không cứu giúp cũng phạm tội. Vậy luật sư cho tôi hỏi tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt, chúng tôi đưa ra quan điểm tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 132 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì:

“1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.

Về chủ thể của tội phạm: Chủ thể là bất cứ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.

Về mặt chủ quan của tội phạm: Chủ thể có lỗi cố ý gián tiếp. Tức là, chủ thể nhận thức được hành vi không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là nguy hiểm, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả chết người xảy ra.

Về hành vi khách quan: Chủ thể có hành vi không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Hành vi của chủ thể được thể hiện dưới dạng không hành động.

Ở đây, chủ thể có thể trực tiếp phát hiện được người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như nghe được, nhìn thấy đươc hoặc phát hiện được một cách gián tiếp (nghe người khác nói lại).

Và dấu hiệu bắt buộc liên quan đến hành vi là chủ thể có đủ điều kiện để cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng mà không cứu giúp. Tức là, trong điều kiện hoàn cảnh cụ thể, chủ thể có đủ khả năng, điều kiện để cứu giúp người đó và việc cứu giúp sẽ không gây nguy hiểm đến bản thân chủ thể cứu giúp. Ví dụ: Biết bơi nhưng không cứu người đang đuối nước.

Về hậu quả: Chết người xảy ra.

Từ những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi nhận thấy rằng chưa đủ căn cứ để xác định bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hay không? Chúng tôi cần phải biết được khả năng bơi lội của bạn như thế nào? Lúc người đàn ông đang đuối nước thì bạn đang ở vị trí nào? Dòng nước chảy thời điểm đó như thế nào? Nếu bạn nhảy xuống cứu người đàn ông đó thì có gây nguy hiểm đến bản thân hay không?.... để chúng tôi có thể xác định bạn có đủ điều kiện, khả năng để cứu giúp người đàn ông đó hay không. Trong trường hợp bạn thấy người đàn ông đó đang đuối nước (đang nguy hiểm đến tính mạng) nhưng không có đủ khả năng, điều kiện để cứu giúp người đàn ông đó thì bạn không phạm tội nêu trên.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer