Trường hợp có kẻ trộm đột nhập vào nhà, để đảm bảo tính mạng, tài sản của mình, người trong nhà phải xử lý thế nào? Gần đây tôi thấy có nhiều bình luận trái chiều xoay quanh việc đánh bị thương hay giết kẻ trộm cướp đột nhập vào nhà thì gia chủ vẫn bị truy tố hình sự và có thể đi tù. Vậy mong Công ty Luật giải đáp giúp tôi: chủ nhà phải làm như thế nào để đảm bảo tính mạng, tài sản của mình nhưng vẫn đúng luật?
Hình ảnh minh hoạ. Nguồn: Báo Thanh niên
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, Luật Sao Việt tư vấn như sau:
Căn cứ theo Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017 quy định về phòng vệ chính đáng thì:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Theo đó, trường hợp chủ nhà chống trả lại kẻ lạ đột nhập trái phép vào nhà để bảo đảm tính mạng, tài sản của mình là hành vi phòng vệ chính đáng và không bị coi là tội phạm. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định hành vi chống trả này của chủ nhà phải là hành vi chống trả lại một cách cần thiết, trường hợp rõ ràng vượt quá mức cần thiết thì chủ nhà sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự vì vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng tùy theo mức độ vượt quá của hành vi chống trả.
Vậy thế nào là hành vi chống trả ở mức độ cần thiết?
Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. “Tương xứng” không có nghĩa là ngang bằng mà ở đây sự chống trả được coi là không thể bỏ qua, nhiều trường hợp thiệt hại gây ra cho người có hành vi xâm phạm dù lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra cho người phòng vệ nhưng vẫn được coi là phòng vệ chính đáng. Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không thì chúng ta phải xem xét cụ thể những tình tiết xảy ra trong vụ việc như:
- Mục tiêu mà chủ nhà cần bảo vệ: tài sản hay tính mạng, hay cả hai. Mục tiêu cần bảo vệ càng quan trọng bao nhiêu thì hành vi chống trả càng mạnh mẽ bấy nhiêu.
- Vũ khí, phương pháp tấn công, thể trạng của hai bên.
- Cường độ, mức độ tấn công của kẻ xâm phạm và của chủ nhà
- Hoàn cảnh nơi xảy ra vụ việc
- Nhân thân của kẻ xâm phạm và người phòng vệ (ví dụ có những trường hợp kẻ trộm chỉ là trẻ vị thành niên chưa có tiền án, trong khi chủ nhà lại là người đàn ông trưởng thành đã từng có tiền án cố ý gây thương tích,...)
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao thì việc xem xét giới hạn phòng vệ chính đáng còn tính đến cả yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ khi không có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ. Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng.
Có thể thấy, việc đánh giá đâu là giới hạn phòng vệ chính đáng trên thực tế là rất phức tạp và chủ yếu phụ thuộc vào những chứng cứ thu thập tại hiện trường, thông qua sự đánh giá và ý chí của cơ quan điều tra.
Do đó, trong những trường hợp chủ nhà phải tấn công kẻ trộm để bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình, Luật Sao Việt có một số tư vấn để phòng tránh các trường hợp chủ nhà phải chịu trách nhiệm hình sự do vượt quá phòng vệ chính đáng như sau:
- Chủ nhà cần bình tĩnh, tránh đối đầu trực tiếp với kẻ đột nhập bằng như bật đèn, hô hoán hàng xóm xung quanh, liên hệ ngay lập tức với cơ quan công an khu vực…
- Trường hợp kẻ đột nhập đã có ý định bỏ chạy, thoát thân thì không cần thiết phải đuổi bắt, khống chế bằng mọi giá nhằm tránh các hậu quả đáng tiếc.
- Nếu buộc phải đối đầu với kẻ trộm và kẻ trộm có dấu hiệu tấn công chủ nhà để cướp bằng được tài sản, chủ nhà có thể thực hiện hành vi chống trả tùy thuộc vào khả năng của mình và có thể sử dụng vũ khí. Tuy nhiên, khi đã không chế được kẻ trộm thì tuyệt đối không được tiếp tục tấn công.
- Nên lắp đặt camera an ninh, đây không chỉ là phương pháp phòng ngừa hiệu quả mà còn cung cấp bằng chứng để tố cáo kẻ trộm với cơ quan công an, hoặc trở thành chứng cứ chứng minh việc chủ nhà tấn công kẻ trộm là hành vi phòng vệ chính đáng.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc muốn được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ: