Tôi vừa đi thăm nhà một người bạn trên vùng cao, ở đây bà con đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn một số người trông cây thuốc phiện mặc dù đã được chính quyền xã phổ biến, nhắc nhở. Cho tôi hỏi nếu việc trồng cây thuốc phiện đó mà đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục trồng thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Hiện nay ở một số bộ phận bà con người dân tộc thiểu số miền núi vẫn đang còn tình trạng trồng cây thuốc phiện để phục vụ nhu cầu cá nhân và một số là để bán cho người có nhu cầu mua. Mục đích sử dụng thì có rất nhiều nhưng thường họ trồng để lấy hoa ngâm rượu và bán, nguồn lợi kinh tế thu được cũng là tương đối cao. Vì nhận thức và hiểu biết về pháp luật của bà con chưa cao, một phần nữa thuộc về lợi nhuận thu được từ loài cây cấm này là khá lớn cho nên việc trồng cây thuốc phiện vẫn chưa được xử lý triệt để.
Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy 2021 nghiêm cấm hành vi trồng cây có chứa chất ma túy (cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định), hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.
Như vậy, việc trồng cây thuốc phiện, cây cần sa là hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, số lượng cây thuốc phiện, cây cần sa mà việc trồng cây thuốc phiện, cần sa sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Căn cứ Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 về Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy:
1. Trồng cây thuốc phiện, cần sa có thể bị phạt đến 07 năm tù
Điều 247 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định mức phạt đối với hành vi trồng cây thuốc phiện như sau:
- Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa,... hoặc đã bị kết án về tội tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
+ Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.
Người nào phạm tội thuộc một trong các trường hợp trên, nhưng đã tự nguyện phá bỏ, giao nộp cho cơ quan chức năng có thẩm quyền trước khi thu hoạch, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
+ Có tổ chức;
+ Với số lượng 3.000 cây trở lên;
+ Tái phạm nguy hiểm.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Như vậy, hành vi trồng cây thuốc phiện, cần sa có thể bị phạt đến 07 năm tù.
2. Trồng cây thuốc phiện, cần sa có thể bị phạt đến 20 triệu đồng
Người trồng cây thuốc phiện, cây cần sa nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự như mục (1) thì bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
- Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa, cây coca, cây khát và các loại cây khác có chứa chất ma túy.
- Ngoài ra còn bị tịch thu cây thuốc phiện, cây cần sa,...
Nếu người nước ngoài vi phạm còn có thể bị trục xuất khỏi Việt Nam.
Như vậy, nếu có hành vi trồng cây thuốc phiện, cần sa thì cá nhân có thể bị phạt đến 10 triệu đồng, tổ chức có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.
(khoản 3; điểm a, d khoản 8 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com