Tôi đọc báo và được biết có rất nhiều vụ việc thương tâm khi gia đình cho con đi học mầm non nhưng vì giáo viên lơ là, vì chất lượng công trình không đảm bảo dẫn đến những hậu quả rất thương tâm. Có trường hợp cháu gái bị bạn cùng lớp đánh hội đồng bầm dập, có trường hợp cháu bé ngã tử vong hoặc bị cổng trường đổ vào người. Thật sự, tôi rất lo lắng vì gia đình cũng có cháu nhỏ sắp phải đi học mẫu giáo. Tôi muốn hỏi trách nhiệm của giáo viên và nhà trường như thế nào khi để xảy ra những vụ việc đau lòng như vậy?

Nguồn ảnh: Internet

Trả lời:

Trước tiên để có thể đưa ra nhận định về trách nhiệm của những cô giáo trông nom trẻ trong trường hợp mà bạn đang có thắc mắc thì chúng ta cần nắm rõ được nhiệm vụ và chức năng của những cô giáo đó cần phải thực hiện trong thời gian trông nom trẻ. Theo quy định tại Điều 26, Điều 27 Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT Ban hành Điều lệ trường mầm non thì giáo viên có nhiệm vụ như sau:

1. Bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần và tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường.

2. Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non.

3. Giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của trẻ em; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của trẻ em; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp; thực hiện quy tắc ứng xử của giáo viên, các quy định về đạo đức nhà giáo theo quy định.

4. Tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học nuôi dạy trẻ em cho cha mẹ của trẻ em; chủ động phối hợp với gia đình của trẻ em để thực hiện mục tiêu giáo dục trẻ em.

5. Tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

6. Thực hiện quy định của nhà trường và các quy định khác của pháp luật.

Căn cứ vào những quy định trên có thể thấy, việc đảm bảo an toàn về thể chất, tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường thuộc phạm vi nhiệm vụ của những giáo viên trông giữ trẻ tại trường mầm non. Để xảy ra hậu quả thương tâm như trong trường hợp của bạn đã nêu thì trách nhiệm của những giáo viên trong thời gian trông cháu bé nhưng để cháu ngã tử vong là điều không thể bỏ qua.

Với việc các cô giáo trông cháu bé không cẩn thận dẫn đến việc cháu ngã bị tử vong là hành vi vi phạm quy tắc nghề nghiệp để xảy ra hậu quả làm chết người. Hành vi này sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, áo dụng các quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Bộ luật hình sự 2015 thì chủ mầm non tư thục phải bồi thường thiệt cho gia đình nạn nhân còn những cô giáo làm việc trông nom cháu bé phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm đó của mình.

Về trách nhiệm hình sự của cô giáo:

Các cô giáo trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trông nom cháu bé sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo quy định tại Điều 129 Bộ luật hình sự 2015.

Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính

1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, trong trường hợp này phía cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ điều tra làm rõ trách nhiệm của từng giáo viên để đưa ra những quyết định xử lý tương xứng với từng người, việc để xảy ra hậu quả như vậy thì trách nhiệm lớn nhất thuộc về những giáo viên trực tiếp thực hiện việc trông nom cháu bé trong thời gian cháu ở trường.

Về vấn đề bồi thường thiệt hại:

Theo quy định tại Điều 600 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra như sau: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Do vậy trong trường hợp các cô giáo chỉ là người làm việc cho cơ sở mầm non tư thực thì chủ mầm non cơ sở tư thực có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình bạn. Mức bồi thường thiệt hại theo Điều 590, 591  Bộ Luật dân sự năm 2015.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

 

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer