Chú tôi là một người ham cờ bạc, đàn đúm rượu chè. Trong một lần đi đánh bạc, vì bị thua hết tiền nên chú tôi có vay của chủ tiệm cầm đồ 100 triệu đồng. Do trước đây chú tôi nhiều lần vay tiền rồi nên lần này việc vay tiền không cần cầm cố thế chấp gì cả mà chỉ viết một giấy vay và trả nợ trong vòng một tuần. Sau đó 100 triệu này chú tôi cũng bị thua hết. Khoảng 1 tháng sau, khi dì tôi đang ăn cơm thì có một tốp người cầm dao, kiếm, gậy,… và chủ tiệm cầm đồ còn cầm cả súng đến tìm chú tôi đòi nợ. Dì tôi sợ quá gọi điện cho chú thì chú tôi không nghe máy, cả tháng nay chú tôi đã không về nhà. Tốp người chủ tiệm cầm đồ ko nghe, xông vào nhà lục lọi, khám xét trong nhà. Nhưng không tìm thấy gì nên chúng đã phá cái xe máy của dì tôi.

Luật sư cho tôi hỏi tốp người đến nhà dì tôi sẽ bị xử lý như thế nào? Chú tôi vay tiền của nhóm người này mà chưa trả được thì có phạm tội không? Dì tôi sợ trình báo công an về hành vi của nhóm cầm đồ thì chú tôi cũng bị xử lý vì vay tiền đi đánh bạc. Vậy dì tôi phải làm thế nào ạ? 
Xin Luật sư tư vấn giúp.
 
 

Hình ảnh mang tính minh họa (Nguồn: ảnh internet)
 
 
Trả lời:
 
Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi.Luật Sao Việt xin có quan điểm tư vấn như sau:

* Đối với tốp người xông vào nhà dì của bạn
  • Hành vi xông vào nhà dì bạn khám xét, lục lọi tài sản chỗ ở của dì bạn là hành vi được mô tả tại Điều 124 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009(BLHS) quy định về Tội xâm phạm chỗ ở của công dân. Như vậy, tốp người của chủ tiệm cầm đồcó thể sẽ bị cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.
  • Vấn đề nữa, việc chủ tiệm cầm đồ khi đến khám xét nhà dì bạn có cầm một khẩu súng. Nếu khẩu súng này là vũ khí quân dụng do Nhà nước quản lý thì người chủ tiệm cầm đồ này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 230 BLHS về Tàng trữ vũ khí quân dụng.
  • Ngoài ra, hành vi phá cái xe máy của dì bạn có thể bị truy cứu thêm trách nhiệm về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo Điều 143 BLHS nếu gây thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

* Đối với hành vi của chú bạn:
Do chú bạn sau khi chơi bạc thua hết tiền đã vay 100 triệu đồng của chủ tiệm cầm đồ để tiếp tục chơi. Hành vi vay tiền để sử dụng vào việc đánh bạc, sau đó thua hết và không có khả năng trả nợ là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được mô tả Điều 139 BLHS. Ngoài ra, chú bạn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc quy định tại Điều 248 BLHS.

* Trong trường hợp này, dù chú bạn có hành vi trái pháp luật và vay tiền của chủ hiệu cầm đồ thật; nhưng không vì vậy mà chủ tiệm cầm đồ có quyền sử dụng các hành vi trái pháp luật (như các hành vi xâm phạm chỗ ở, đe dọa, phá hoại tài sản... mà bạn nêu) để đòi tiền chú bạn. Việc đòi nợ phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Dì bạn có thể trình báo cơ quan chức năng can thiệp xử lý những người đã đến nhà dì bạn gây rối, bảo vệ quyền lợi cho dì bạn. Việc dì bạn không trình báo cơ quan chức năng không có nghĩa là chú bạn sẽ không bị xử lý về các hành vi trái pháp luật như tôi đã nêu ở trên. Ngược lại, nếu chú bạn nhanh chóng ra cơ quan pháp luật trình báo, khai báo thành khẩn thì sẽ nhận được sự khoan hồng của pháp luật và chú bạn cũng tránh được sự đe dọa của những người chủ cầm đồ kia.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, quý khách  vui lòng liên hệ với các Luật sư, Chuyên viên Pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua: 

 

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

 

 E-mail: saovietlaw@vnn.vn      

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer