Câu hỏi: Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Cháu Minh (22 tuổi)  con tôi ngày 03/03/2024 có tham gia đá bóng tại sân bóng Thúy Lĩnh - Hà Nội thì bị đội bạn cầm dao chém gần đứt lìa cổ tay, đứt toàn bộ gân duỗi, gân gấp cổ tay quay… kèm theo 1 số thương tích khác.

Sau khi sự việc xảy ra, CQTT đã yêu cầu trưng cầu giám định (lần đầu) ngày 12/03/2024 và đã ra kết luận giám định số xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể là 3%.

Ngày 22/02/2024, Cơ quan giám định ra quyết định trưng cầu giám định bổ sung và cho Minh đi khám điện sinh ký thần kinh - cơ. Trong kết quả Điện sinh lý thần kinh - cơ ngày 23 tháng 03 Bệnh viện đã kết luận:

Tổn thương bán thần kinh trụ bên trái đoạn cổ tay.

Tổn thương hoàn toàn nhánh cảm giác thần kinh quay, thần kinh bì trụ mu tay bên trái.

Ngày 26/04/2024, tôi nhận được bản kết luận giám định xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể của con tôi là 17%. Mặc dù tại trang 4 Bản kết luận giám định bổ sung tôi thấy có ghi nhận: “Trên bàn ghi điện sinh lý thần kinh cơ có hình ảnh tổn thương bán phần thần kinh trụ trái đoạn qua cổ tay và tổn thương nhánh cảm giác thần kinh quay trái đoạn qua cổ tay.” nhưng phần kết luận giám định lại không ghi nhận và tính tỷ lệ tổn thương này và ghi là “hồ sơ ban đầu không ghi nhận có tổn thương mạch máu và thần kinh đoạn vết thương cổ tay nên không có cơ sở xếp tỷ lệ phần trăm đối với tổn thương bán phần thần kinh trụ trái và nhánh thần kinh quay trái.”

Thưa Luật Sư, việc không ghi nhận như vậy là đúng hay sai. Trong phiên xét xử sơ thẩm sắp tới tôi nên làm gì?

Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Việc không ghi nhận tỷ lệ phần trăm tổn thương đối với hệ thần kinh cổ tay là SAI. Bởi:

Thứ nhất: Theo pháp luật trong việc giám định phải ghi nhận mọi tổn thương mà nạn nhân gặp phải, bao gồm cả tổn thương thần kinh và mạch máu. Việc không ghi nhận tổn thương thần kinh trong hồ sơ ban đầu không có nghĩa là tổn thương đó không tồn tại, mà có thể do thiếu sót trong quá trình giám định. Hơn nữa , Cơ quan điều tra không có căn cứ xác định rằng tổn thương này có trước hay sau khi giám định lần đầu.  

Thứ hai: Về đặc điểm sinh lý và tổn thương: khi một phần cơ thể bị đứt lìa, đặc biệt là tại vùng cổ tay, việc cắt đứt sẽ tác động trực tiếp đến hệ thống thần kinh, làm cho dây thần kinh bị đứt rời. Điều này đã được chứng minh trong nhiều nghiên cứu y khoa, cho thấy rằng các dây thần kinh lớn như dây thần kinh giữa và dây thần kinh trụ chạy qua khu vực cổ tay sẽ bị tổn thương chắc chắn khi có vết thương nghiêm trọng như đứt lìa. Theo tài liệu y học, sự hiện diện của tổn thương thần kinh là điều hiển nhiên và không thể phủ nhận. Mà theo bạn trình bày thì với thực tế vết thương bị chém gần đứt lìa bàn tay, đứt toàn bộ gân duỗi, gấp cổ tay thì chắc chắn sẽ đi qua nhiều phần thần kinh cổ tay dẫn đến việc tổn thương mạch máu và hệ thần kinh là điều đương nhiên. Bởi vậy việc không ghi nhận là hoàn toàn không đúng, làm sai sự thật.

Thứ ba: Kết luận từ giám định bổ sung xác nhận có tổn thương thần kinh cho thấy có sự khác biệt so với hồ sơ ban đầu. Điều này càng củng cố lập luận rằng tổn thương thần kinh không thể thiếu trong trường hợp đứt lìa tay. Việc không ghi nhận trong hồ sơ ban đầu chỉ đơn thuần là thiếu sót, không thể làm cho tổn thương này trở nên không tồn tại.

Căn cứ áp dụng mục VII Chương 1 Thông tư 22/2019/TT – BYT: Nếu tổn thương bán thần kinh trụ bên trái đoạn cổ tay thì tỷ lệ thương tích có thể từ 21-25% (3.18 - mục VII), tổn thương hoàn toàn nhánh cảm giác thần kinh quay từ 11-15% (3.14 - mục VII) và thần kinh bì trụ mu tay bên trái từ 11-15% (3.12 - mục VII).

Dựa vào cách tính tỷ lệ tổn thương bằng phương pháp cộng quy định ở Điều 4- Thông tư 22/2019/TT – BYT xác định : Tổng tỷ lệ % TTCT = T1 + T2 + T3 +...+ Tn ( Trong đó  T1: Được xác định là tỷ lệ % TTCT của TTCT thứ nhất (nằm trong khung tỷ lệ các TTCT được quy định tại Thông tư này); T2: là tỷ lệ % của TTCT thứ hai: T2 = (100 - T1) x tỷ lệ % TTCT thứ 2/100…).  Chênh lệch ít nhất về % tỷ lệ đối với riêng tổn thương này lên đến 34,42% một con số không hề nhỏ.

⇒ Vì vậy để làm rõ điều này cũng như xác định việc có xếp tỷ lệ phần trăm đối với tổn thương bán phần thần kinh trụ trái và nhánh thần kinh quay vào kết luận giám định hay không thì cần phải trả hồ sơ để xác minh rõ thời điểm tổn thương, tại sao không ghi nhận, sai sót ở đâu, do ai?. Sai sót trong việc xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể nêu trên đã làm lệch nghiêm trọng kết quả giám định, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến căn cứ xác định khung hình phạt. Đây là tài liệu duy nhất được dùng để xác định khung hình phạt nên nó có tác động rất lớn đến toàn bộ vụ án.

Trong phiên tòa sắp tới, Minh hãy yêu cầu HĐXX trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để  điều tra bổ sung để làm rõ vấn đề tôi đã nêu ở trên. Căn cứ Điều 15 (Xác định sự thật của vụ án), Điều 19 (Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra), Điều 85 (Những vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự), Điều 280 (Trả hồ sơ để điều tra bổ sung); Điều 3 Thông tư liên tịch số 02/2-17/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 (Phối hợp thực hiện trả hồ sơ để điều tra bổ sung trong các trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 245 và điểm a khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự);

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer