Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Con trai tôi bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gia đình tôi nghèo nên không có tiền mời Luật sư bào chữa. Mà bên Viện kiểm sát lại nói trường hợp của con tôi là trường hợp cần phải chỉ định luật sư bào chữa. Vậy cho tôi hỏi, những trường hợp nào thì cần chỉ định luật sư bào chữa? Và có phải mất phí cho họ không ạ? Mong được giải đáp.
Trả lời:
Chào bạn. Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, các trường hợp phải có luật sư chỉ định:
Theo khoản 1 Điều 76 Bộ luật hình sự 2015 quy định về các trường hợp chỉ định người bào chữa như sau:
“Điều 76. Chỉ định người bào chữa
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;
b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.”
Như vậy, trường hợp người bị buộc tội, gia đình người bị buộc tội không mời Luật sư thì cơ quan tiếng hành tố tụng sẽ chỉ định Luật sư bào chữa khi:
- Vụ án có khung hình phạt cao nhất từ 20 năm tù trở lên, chung thân, tử hình.
- Người bị buộc tội là người có nhược điểm về thể chất không tự mình bào chữa cho chính mình được.
- Người bị buộc tội là người có nhược điểm về tâm thần.
- Người bị buộc tội là người dưới 18 tuổi.
Trường hợp của con trai bạn, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản có mức phạt cao nhất của khung hình phạt tại khoản 4 là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Bạn chưa cung cấp thông tin con trai bạn bị khởi tố theo khoản nào, tuy nhiên nếu Viện kiểm sát đã nhận định trường hợp này phải chỉ định luật sư bào chữa thì khả năng cao là con bạn bị truy tố theo khoản 4.
Thứ hai, về việc chi trả phí cho Luật sư chỉ định
Căn cứ tại Điều 3 Thông tư liên tịch 191/2014/TTLT-BTC-BTP thì thủ tục chi trả cho luật sư được chỉ định sẽ thực hiện như sau
1. Thủ tục chi trả:
Cơ quan tố tụng nào yêu cầu luật sư bào chữa thì lập dự toán và trực tiếp chi trả cho luật sư, cụ thể: Cơ quan điều tra yêu cầu cử luật sư tham gia vụ án ở giai đoạn điều tra, thì cơ quan điều tra có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư trong giai đoạn điều tra; Viện Kiểm sát nhân dân có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư ở giai đoạn truy tố; Toà án nhân dân có trách nhiệm chi trả cho luật sư đối với những hoạt động của luật sư ở giai đoạn xét xử.
2. Thời gian chi trả:
Sau khi kết thúc từng giai đoạn trong tố tụng (điều tra, truy tố, xét xử), luật sư tham gia vụ án hoàn chỉnh chứng từ đề nghị thanh toán thù lao và các khoản chi phí liên quan theo quy định tại Điều 2 Thông tư này gửi cơ quan tố tụng yêu cầu luật sư tham gia.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị thanh toán thù lao và các khoản chi phí liên quan của luật sư theo quy định, cơ quan tố tụng có trách nhiệm chi trả cho luật sư tham gia tố tụng.
Như vậy, đối với trường hợp vụ án cần chỉ định Luật sư thì người bị buộc tội/người nhà của người bị buộc tội không phải trả chi phí cho Luật sư được chỉ định. Mà thuộc về cơ quan tố tụng nào yêu cầu Luật sư bào chữa thì phải có nghĩa vụ chi trả.
Trong trường hợp của bạn, phía Viện Kiểm sát nhân dân sẽ phải có trách nhiệm chi trả cho luật sư chỉ định, bạn không cần lo lắng vấn đề này.
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com