Luật sư cho em hỏi: Tòa án sẽ xác định trách nhiệm hình sự của người chủ mưu trong vụ án hình sự có đồng phạm như thế nào ạ? Ví dụ em và nhóm bạn đi trộm cắp tài sản, em lên kế hoạch và chỉ đạo mọi người nhưng không trực tiếp tham gia. Khi các bạn bị bắt và khai ra em thì em sẽ phải chịu hình phạt gì? Tòa án căn cứ vào đâu để xác định hình phạt đối với người chủ mưu không trực tiếp phạm tội?

 

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

TRẢ LỜI:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ khoản 3 Điều 17 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“3. Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.”

Như vậy, chủ mưu của vụ trộm cắp dù không trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp nhưng vẫn được coi là đồng phạm tội trộm cắp tài sản và phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Việc xác định trách nhiệm hình sự của những đồng phạm trong cùng một vụ án sẽ được cân nhắc dựa trên những nguyên tắc sau:

1. Nguyên tắc những người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm, trên cơ sở hành vi tham gia thực hiện của mỗi người.

Trong vụ án có đồng phạm, tội phạm được thực hiện dựa trên sự hợp tác chung của tất cả những người cùng tham gia. Pháp luật không chia tội phạm thành các phần để cho mỗi người chịu trách nhiệm 1 phần mà tất cả những người đồng phạm đều bị  truy tố, xét xử về cùng một tội danh, theo cùng một điều luật, trong phạm vi những chế tài điều luật đó quy định. 

2. Nguyên tắc chịu trách nhiệm độc lập về cùng thực hiện vụ đồng phạm.

Tuy mỗi người đồng phạm phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ tội phạm mà họ cùng thực hiện nhưng việc xác định trách nhiệm hình sự cụ thể cho mỗi người vẫn còn dựa trên hành vi cụ thể của từng cá nhân. Cụ thể:

 + Những người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm về hành vi vượt quá của người đồng phạm khác. 

Ở đây, hành vi vượt quá của người đồng phạm là hành vi vượt ra ngoài ý định chung của những người đồng phạm và hành vi đó có thể đã cấu thành tội khác hoặc cấu thành tình tiết tăng nặng định khung. 

Ví dụ: A và B đã bàn bạc và thống nhất sẽ vào trộm cắp tài sản nhà bà C. Trong khi A đứng ngoài canh gác, B vào trộm cắp và nảy sinh ý định hiếp dâm bà C. Việc hiếp dâm C nằm ngoài kế hoạch trộm cắp tài sản của A và B. Hành vi hiếp dâm của B có thể cấu thành tội độc lập là Tội hiếp dâm. 

+ Việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt đối với người đồng phạm này không đồng nghĩa với việc những người đồng phạm khác cũng được miễn trách nhiệm hình sự/ miễn hình phạt.

+ Hành vi của người tổ chức, xúi giục hay giúp sức dù chưa đưa đến việc thực hiện tội phạm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

+ Sự tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người đồng phạm này không loại trừ trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm khác.

3. Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự của những người đồng phạm. 

Những người cùng tham gia phạm tội trong một vụ án có đồng phạm, tùy theo tính chất và mức độ tham gia của mỗi người mà trách nhiệm hình sự của họ cũng sẽ khác nhau. Trong vụ đồng phạm, những người tham gia tuy phạm cùng tội nhưng tính chất và mức độ tham gia của mỗi người có khác nhau, tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mỗi người cũng khác nhau. 

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, theo điều 58 Bộ luật hình sự năm 2015 thì:
“Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.”

Theo đó, tùy theo các tình tiết trong vụ án trộm cắp do nhóm của bạn thực hiện, người chủ mưu có thể phải chịu các mức xử phạt quy định tại Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 về tội trộm cắp tài sản.

Ngoài ra,  việc xử lý đối với đồng phạm ở vị trí kẻ chủ mưu còn được thực hiện theo nguyên tắc:

- Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm

- Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer