Liên quan đến vụ việc bạo hành bé gái 8 tuổi ở Bình Thạnh xảy ra vào cuối năm 2021, vừa qua Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định xét xử kín vụ án, thời gian dự kiến xét xử vào ngày 21-7- 2022 tới đây. Được biết đây là một trong số những vụ bạo hành trẻ em đặc biệt nghiêm trọng, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa và phẫn nộ. Chính vì vậy ngay khi có thông tin về việc sẽ xét xử kín vụ án, nhiều người không khỏi thắc mắc về lý do cũng như các trường hợp pháp luật cho phép xét xử kín. Liệu việc xét xử kín có đảm bảo tính minh bạch và công bằng của pháp luật ? 

Khi xét xử, một trong những nguyên tắc cốt lõi mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền xét xử phải đảm bảo thực hiện đó là xét xử công khai. Điều này được luật hóa tại Điều 103 Hiến pháp năm 2013Điều 25 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015. 

Điều 103 Hiến pháp 2013: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”.

Điều 25 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015: "Tòa án xét xử kịp thời trong thời hạn luật định, bảo đảm công bằng. Tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì Tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Như vậy, việc xét xử kín sẽ chỉ được áp dụng nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 TH1. Liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc

Bí mật nhà nước là những thông tin có nội dung quan trọng liên quan mật thiết đến an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó đối với những vụ án có liên quan đến bí mật nhà nước phải được xét xử kín để thông tin không bị lan truyền và rò rỉ ra ngoài (thường gặp nhất là những vụ án có bị can, bị cáo bị truy tố về các tội danh như tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, tội chiếm đoạt bí mật nhà nước…)

Ngoài ra, xét thấy những vụ án liên quan tới thuần phong mỹ tục dân tộc mà việc xét xử công khai có thể gây ra hệ lụy tiêu cực đến xã hội thì Tòa án có thẩm quyền sẽ quyết định xét xử kín.

TH2. Bảo vệ người dưới 18 tuổi

Hình thức xét xử kín cũng được áp dụng đối với những vụ án xâm hại tình dục trẻ vị thành niên hoặc vụ án có đương sự là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập. Điều này xuất phát từ đặc điểm tâm sinh lý của người dưới 18 tuổi chưa được hoàn thiện, việc xét xử công khai có thể ảnh hưởng tiêu cực và gây sốc tâm lý. Xem thêm tại https://saovietlaw.com/tu-van-hinh-su-1/quy-dinh-xet-xu-kin-doi-voi-cac-vu-viec-xam-hai-tinh-duc-tre-vi-thanh-nien-/

TH3. Giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự

Quyền bí mật đời tư là quyền cơ bản của con người, do đó đối với những vụ án dù không liên quan đến việc bảo vệ người dưới 18 tuổi, nhưng nếu xét thấy đương sự có yêu cầu chính đáng về bảo vệ bí mật đời tư thì Tòa án cũng có thể quyết định xét xử kín vụ án.

=>> Từ những quy định nêu trên, có thể kết luận việc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định xử kín vụ án bạo hành bé gái 8 tuổi ở Bình Thạnh là hoàn toàn hợp pháp. Bởi lẽ nạn nhân trong vụ việc là cháu bé 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành dẫn đến tử vong, do đó trong quá trình xét xử sẽ không tránh khỏi những tình tiết có tác động tiêu cực đến tâm lý của những trẻ em khác, gây ám ảnh cho những người thân còn lại của cháu. Đồng thời việc xét xử công khai trong trường hợp này có thể xâm phạm đến quyền đảm bảo bí mật đời tư của cháu bé và gia đình. Mặc dù vụ việc được xét xử kín nhưng việc tuyên án vẫn phải được thực hiện công khai. Do đó vẫn đảm bảo tính minh bạch và khách quan trong phán quyết của Tòa án cũng như hiệu quả trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến với mọi người dân.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer