Công ty tôi làm bên kinh doanh, anh A là nhân viên của công ty, kí hợp đồng 2 năm từ năm 2019. Trong thời gian làm việc tại công ty, anh A đã không tuân thủ quy định của công ty, sử dụng các dữ liệu của công ty nhằm đạt mục đích cá nhân của mình. Lợi dụng các nhân viên công ty, A đã truy cập tài khoản họ ở công ty để copy dữ liệu thông tin như khách hàng, doanh thu, giá cả vào USB. Sau khi tìm hiểu, tôi được biết anh A đã thành lập một công ty ở ngoài và đã sử dụng dữ liệu ăn cắp của công ty như danh sách khách hàng liên hệ, giá mặt hàng để báo giá cho khách bên ngoài. Anh ta còn lấy các logo, nhãn hiệu của công ty để sử dụng vào mục đích riêng. Vậy cho tôi hỏi, hành vi của anh A đã vi phạm quy định gì và bị xử lý như thế nào? Chúng tôi muốn anh A phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới công ty Luật Sao Việt, theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi tư vấn như sau:
Trước tiên bạn nên thu thập những chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của anh A ví dụ như: hành vi truy cập vào tài khoản, dữ liệu của công ty; sử dụng dữ liệu của công ty phục vụ mục đích cá nhân thu lợi bất chính từ dữ liệu đó; không bảo mật thông tin khách hàng và tài liệu của công ty; sử dụng thời gian ở tại công ty làm những việc cá nhân... Sau đó, công ty bạn có thể lựa chọn những phương án xử lý như sau:
Cách 1: Bạn có thể xử lý kỷ luật anh A trong phạm vi công ty và yêu cầu anh A trả lại tất cả các dữ liệu, thông tin của công ty, cam kết không được sử dụng bất cứ thông tin, tài khoản, dữ liệu nào của công ty để phục vụ mục đích cá nhân của mình.
Cách 2: Bạn tố cáo anh A ra cơ quan công an về hành vi xâm nhập trái phép vào máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác được quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự 2015. Cụ thể:
“1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;
b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;
c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo đó, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội mà anh A sẽ phải chịu mức hình phạt tương ứng.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn thắc mắc muốn được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com