Tôi đang mở quán nước và có bán hàng quần áo online. Vì là tổng kho nên hàng ngày có rất nhiều giao dịch chuyển khoản đi và đến tài khoản của tôi. Thông thường các giao dịch đều có nội dung chuyển khoản, khi người mua nhắn bill đã chuyển tiền thì tôi mới kiểm tra khoản tiền đó về tài khoản chưa nên nếu có khoản tiền lạ nào được chuyển đến mà không có tin nhắn thông báo từ người mua thì tôi cũng không để ý bởi vì tôi nghĩ nếu khách mua hàng thì họ sẽ nhắn lại cho mình sau khi chuyển tiền xong.  Chính vì vậy, tôi đã bị gài khi có một khoản tiền 40 triệu chuyển vào tài khoản. Sau hơn 1 tháng thì có một người gọi điện đòi trả lãi mức 8%/tháng, yêu cầu tôi trả hơn 3 triệu tiền lãi. Tôi đã nói tôi không vay, tôi sẽ chuyển lại đủ 40 triệu, nhưng họ bảo tôi phải trả lãi 3 tháng và phải trả phí tất toán khoản vay tổng hơn 10 triệu, họ có đầy đủ thông tin địa chỉ trên CCCD của tôi và bằng chứng chuyển tiền cho vay, nếu tôi không trả sẽ đến tận quán và báo công an tôi chiếm đoạt tài sản.  Vậy tôi phải làm sao, xin tư vấn giúp tôi?

Trả lời

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Trường hợp của bạn không có thỏa thuận giữa các bên về việc vay tiền cũng không có hợp đồng vay mà chỉ là bên kia tự ý chuyển tiền vào tài khoản của bạn thì bạn không có nghĩa vụ phải trả tiền lãi và tiền tất toán khoản vay cho họ. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 166 BLDS 2015, chủ sở hữu có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật:
Điều 166. Quyền đòi lại tài sản

1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.” 

Vì vậy, họ có quyền yêu cầu bạn chuyển trả số tiền ban đầu họ đã “chuyển nhầm” vào tài khoản của bạn

Về nguyên tắc, khi nhận được tiền chuyển nhầm, bạn phải thông báo cho ngân hàng để xác minh và chuyển trả lại đầy đủ cho họ ngay lập tức. Lưu ý tuyệt đối không tự chuyển lại cho người khác không thông qua làm việc trực tiếp với bên ngân hàng.

Trường hợp của bạn do bạn không kiểm tra giao dịch nên sau 3 tháng mới phát hiện ra,việc này tuy chưa đủ căn cứ xác định bạn cố tình chiếm đoạt tài sản nhưng cũng cần thêm thông tin trong 3 tháng bạn đã chi tiêu vào số tiền đó hay chưa để xác định rủi ro trách nhiệm hình sự của bạn...

Nếu đã chi tiêu vào số tiền đó, bạn cần chuyển đủ tiền vào tài khoản của mình sau đó liên hệ ngay với bên ngân hàng để làm thủ tục tra soát và hoàn tiền cho đúng chủ tài khoản đã chuyển tiền cho bạn. Nếu các đối tượng tiếp tục khủng bố điện thoại, đến nhà làm phiền hoặc đe dọa bạn phải trả tiền lãi, bạn nên trình báo đến cơ quan công an về hành vi có dấu hiệu Tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015:

“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

Ngoài ra, ngay cả khi bạn thực sự vay họ (giả sử) thì lãi suất cho vay vẫn phải tuân thủ quy định tại Điều 468 của Bộ luật dân sự là không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Người cho vay yêu cầu bạn trả lãi 8%/tháng, tương ứng là 96%/năm là không đúng quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer