Thưa luật sư, tôi có người quen đi sang nước ngoài lao động nhưng thực tế là không qua công ty nào mà nhờ người quen chỉ mối dẫn sang. Chi phí cũng không quá đắt đỏ như các trường hợp đi lao động qua công ty. Để sang đó, chỉ mất tiền làm visa, tiền vé máy bay và chừng 30 triệu cho người “dẫn đường”. Nay thấy trên báo chí đăng tin nhiều trường hợp đi như vậy là trái phép. Luật sư cho biết những người đi lao động trái phép và những người đã giúp họ sang đó bị xử phạt như thế nào?
Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet
Trả lời:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt, với tình huống và câu hỏi nêu trên, chúng tôi có ý kiến như sau:
Việc đi lao động ở nước ngoài được điều chỉnh cụ thể bởi pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của nước sở tại nơi người lao động dự kiến làm việc. Theo pháp luật Việt Nam thì việc người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo 4 hình thức được quy định tại Điều 6 Luật số 72/2006/QH 11.
Do đó, việc sang nước ngoài làm việc và việc đưa người lao động sang nước ngoài khi chưa đáp ứng được các điều kiện và trình tự thủ tục được quy định trong Luật số 72/2006/QH11 là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có những chế tài tương ứng.
Thứ nhất, đối với hành vi của những người sang nước ngoài lao động nhưng không thông qua bất cứ công ty, tổ chức nào được phép đưa người lao động sang nước ngoài làm việc cũng không ký hợp đồng với tổ chức sử dụng lao động nào bên nước ngoài mà lợi dụng việc đi du lịch để ở lại làm việc là hành vi trái pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của chính nước sở tại đó.
Hành vi này xâm phạm trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh cũng như lĩnh vực lao động của nước sở tại vì vậy hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật nước sở tại. Hình thức xử phạt có thể là xử phạt hành chính hoặc các hình thức: phạt tiền, trục xuất, cấm nhập cảnh….
Nếu hành vi trên đáp ứng đủ dấu hiệu tội phạm theo quy định của Luật hình sự nước sở tại thì những người đi sang đó lao động trái pháp luật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.
Thứ hai, đối với hành vi của những người đã “giúp” người lao động sang nước ngoài và tìm việc làm chui ở bên đó sẽ phải chịu trách nhiệm theo pháp luật Việt Nam. Hành vi giúp có thể là hành vi tổ chức hoặc môi giới. Việc tổ chức được thể hiện bởi một hoặc nhiều hành vi như: khởi xướng, vạch kế hoạch; rủ rê lôi kéo người khác ở lại làm việc trái phép; phân công trách nhiệm cho những người khác thực hiện công việc trong chuỗi các công việc cần làm để đưa được người khác sang nước ngoài làm việc trái phép.
Theo như thông tin bạn cung cấp, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng hành vi của người đã giúp bạn của bạn sang nước ngoài làm việc có dấu hiệu của tội Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại nước ngoài trái phép được quy định tại Điều 349 Bộ luật hình sự năm 2015.
Cụ thể, khoản 1 Điều 349 này quy định: Người nào tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này (Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân), thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Nếu hành vi này được thực hiện và có 1 trong các dấu hiệu sau thì sẽ phải đối diện với mức hình phạt từ 5 năm đến 10 năm: phạm tội từ 2 lần trở lên; hay đối với với nhiều người (từ 5 đến 10 người); có tính chất chuyên nghiệp; lợi dụng chức vụ quyền hạn; thu lợi bất chính (ví dụ như tiền “phí” mà người lao động phải đưa cho họ) từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; tái phạm nguy hiểm.
Trường hợp phạm tội từ 11 người trở lên và/hoặc thu lợi bất chính 500.000.000 đồng hoặc hậu quả chết người xảy ra thì có thể bị phạt từ 7 đến 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc cấm đảm nhiệm, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định.
Khi xem xét hình phạt thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ căn cứ dựa trên hành vi cụ thể của từng cá nhân để đánh giá mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi cũng như dựa vào các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ của từng cá nhân đó.
Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:
Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896
E-mail: saovietlaw@vnn.vn