Mới đây, trên các trang báo điện tử đã nhanh chóng xuất hiện hình ảnh cô gái 21 tuổi được xem là nghi phạm trong vụ án dùng xyanua đầu độc cha đẻ xảy ra ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều đáng nói hơn là mặc dù cơ quan điều tra vẫn chưa ra quyết định khởi tố vụ án, mọi uẩn khuất vẫn chưa được làm sáng tỏ nhưng những bức hình cận cảnh chân dung của cá nhân này đã được sử dụng và chia sẻ rộng rãi trên các trang báo, mạng xã hội. Vậy có hay không sự vi phạm khi báo chí tự do sử dụng hình ảnh của nghi phạm như vậy?
Ảnh minh họa: Internet
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, chúng ta cần xem xét trên các phương diện sau đây:
Thứ nhất, địa vị pháp lý của nghi phạm:
Nghi phạm là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, trong bộ luật tố tụng hình sự hay các văn bản pháp lý liên quan khác lại không có quy định về thuật ngữ này. Nghi phạm được hiểu là người bị nghi ngờ là tội phạm, có dấu hiệu của tội phạm, tuy vẫn chưa đủ chứng cứ chứng minh nhưng đã có lệnh bị bắt để điều tra. Một khái niệm khác nữa cũng được sử dụng để ám chỉ người bị nghi ngờ là phạm tội – nghi can. Khác với nghi phạm, nghi can là những người thuộc danh sách bị nghi ngờ có liên quan đến vụ án, nhưng chưa có dấu hiệu phạm tội và chưa có lệnh bị bắt.
Hơn nữa theo quy định tại Điều 31 Hiến pháp 2013 quy định “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”
Điều này đã được củng cố thêm bởi nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 BLTTHS năm 2015 với nội dung sau: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Như vậy, trước thời điểm bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, thì nghi phạm được xem là không có tội, do đó, họ vẫn được đảm bảo một số quyền năng cơ bản của con người, quyền công dân trong đó có quyền của cá nhân đối với hình ảnh. Mặc dù nhà báo có quyền được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí nhưng hoạt động này phải trong khuôn khổ “theo quy định của pháp luật” ( Điều 25 Luật báo chí 2016), tuyệt đối không được thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của Tòa án (Khoản 8 Điều 9 Luật báo chí 2016).. Do đó, khi thông tin đến bạn đọc, bên cạnh tính chính xác, kịp thời, nhà báo cũng cần lưu ý vấn đề quyền hình ảnh của cá nhân phù hợp với Hiến pháp, bộ luật dân sự,…
Thứ hai, quy định về quyền hình ảnh của cá nhân
Quyền hình ảnh của cá nhân là một trong những quyền nhân thân được quy định tại Điều 32 Bộ luật dân sự 2015, theo đó:
“1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:
a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;
b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh….”
Quy định của điều luật cho thấy, ngoại trừ trường hợp sử dụng hình ảnh vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng và sử dụng từ các hoạt động công cộng, thì việc tự do sử dụng hình ảnh cá nhân của một người mà không được sự cho phép của họ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, cơ quan báo chí thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Nghị định 119/2020/NĐ-CP:
“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
…c) Đăng, phát ảnh của cá nhân mà không được sự đồng ý của người đó, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác…”
Đồng thời có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh sự, nhân phẩm uy tín theo quy định của Bộ luật dân sự (nếu có)
=> Để kết luận việc các trang báo có được đăng rõ ảnh chân dung nghi phạm trong các vụ án hay không cần phải xem xét các yếu tố như việc đăng tải có thuộc các trường hợp không cần xin phép theo quy định tại Khoản 2 Điều 32 BLDS 2015 hay việc đăng tải đã được sự đồng ý của nghi phạm chưa,…Bên cạnh đó, khi tác nghiệp, nhà báo cũng cần lưu ý các quy định pháp luật, quy tắc, đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện quyền khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí, tránh xâm phạm quyền hình ảnh của cá nhân khác: thay vì sử dụng hình ảnh rõ mặt nghi phạm, nghi can, người đăng nên sử dụng các thủ thuật để làm mờ hình ảnh, ký họa chân dung…
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com