Tôi là giáo viên dạy cấp 1 ,vì lợi dụng lòng tin của tôi mà 1 phụ huynh đã mượn tiền để giải quyết việc riêng và rủ làm ăn chung số tiền là 286 triệu đồng sau đó rất nhiều lần nói trả nhưng đều thất hứa .Sau tôi được biết người này còn mượn và lừa rất nhiều người khác do đó tôi đã bắt viết giấy nợ, trong giấy nợ ghi sau 3 tháng sẽ hoàn lại số tiền cho tôi. Nhưng vì hoang mang nên tôi và 1 số người cho người này vay có lên quê xác minh thì được biết người này chuyên đi lừa đảo, bỏ đi 3 năm nay ko về còn lừa tiền của rất nhiều người trên quê. Vậy cho tôi hỏi tôi có thể kiện người này được không và phí ra toà như thế nào ạ? Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Nếu muốn khởi kiện một vụ án dân sự để có thể đòi lại số tiền mà anh/chị đã cho người khác vay, cần lưu ý một số vấn đề về điều kiện khởi kiện một vụ án dân sự. Do câu hỏi chưa đầy đủ một số thông tin về việc cho vay nên chúng tôi tư vấn sơ bộ dựa trên các thông tin đã có như sau:
Thứ nhất: Điều kiện về chủ thể khởi kiện
Để khởi kiện vụ án dân sự, anh/ chị là chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Đây là điều kiện đầu tiên phải xác định khi đương sự thực hiện việc khởi kiện căn cứ điểm a khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015.
Tuy nhiên, mặt dù người khởi kiện có quyền, lợi ích dân sự nhưng quyền, lợi ích đó không hoặc chưa bị xâm phạm thì cũng chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự. Ví dụ như là việc anh/chị có thỏa thuận về thời gian cho vay trong giấy vay là 3 tháng nên nếu chưa hết 3 tháng đó thì chưa thể xác định được quyền, lợi ích hợp pháp của anh chị đã bị xâm phạm hay chưa nên chưa thể khởi kiện được.
Thứ hai: Vụ án được khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Tòa án chỉ thụ lý vụ án dân sự đối với những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của mình. Anh/ chị không nêu rõ địa chỉ của anh/ chị, nơi anh/chị cho vay và địa chỉ người đã vay tiền nên chúng tôi chưa thể xác định được thẩm quyền giải quyết thuộc về Tòa án nhân dân nào. Tuy nhiên, anh chị có thể tự xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết vụ việc thông qua những thông tin sau đây:
- Về cấp giải quyết vụ việc được xác định là Tòa án nhân dân cấp huyện theo Điều 35, 36, 37, 38 BLTTDS năm 2015.
- Nơi Tòa án giải quyết được xác định theo lãnh thổ là nơi bị đơn (tức người anh/ chị cho vay tiền) đang cư trú hoặc làm việc (khoản 1 Điều 39 BLTTDS 2015)/
Ngoài ra anh/ chị cũng có quyền lựa chọn Tòa án theo quy định tại Điều 40 BLTTDS năm 2015.
- Nếu trong hợp đồng hoặc hai bên có thỏa thuận lựa chọn tòa án giải quyết thì sẽ áp dụng theo thỏa thuận.
Thứ ba: Thời hiệu khởi kiện
Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà các anh/ chị có quyền khởi kiện được quyền yêu cầu tòa án giải quyết các tranh chấp dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích bị xâm phạm là hai năm kể từ ngày quyền lợi ích, dân sự bị xâm phạm.
Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng trong đó có bao gồm khởi kiện yêu cầu thanh toán khoản nợ quá hạn "là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”
Hết thời hạn này thì chủ thể mất quyền khởi kiện, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Điều 168 BLTTDS 2015). Như vậy, chị có 3 năm kể từ ngày người vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ để tiến hành khởi kiện.
Thứ tư, đây phải là lần khởi kiện đầu tiên, chưa có một bản án hay quyết định nào có hiệu lực pháp luật về vụ việc này
Nếu sự việc đã được Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết bằng một bản án hay quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì anh/ chị không được khởi kiện lại đối với vụ án đó nữa, trừ những trường hợp: Bản án, quyết định của tòa án bác đơn chưa chấp nhận yêu cầu đòi tài sản anh/ chị cho vay thì mới có quyền khởi kiện lại (Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015).
Trên đây là điều kiện để anh/ chị xác định quyền lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm và các yêu cầu cần và đủ để có thể khởi kiện đòi tài sản.
Đối với vấn đề án phí dân sự mà anh chị đang quan tâm: Căn cứ vào các quy định án phí tại Chương IX BLTTDS 2015 và căn cứ theo quy định tại Điều 24 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì các loại án phí trong vụ án dân sự bao gồm:
“a) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự không có giá ngạch;
b) Án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án dân sự có giá ngạch;
c) Án phí dân sự phúc thẩm.”
Trường hợp của anh/chị là việc đòi một khoản tiền cụ thể, vì vậy được xác định là vụ án dân sự có giá ngạch.
Xem thêm cách xác định số tiền án phí đối với vụ án dân sự có giá ngạch tại đây: https://saovietlaw.com/kien-thuc-luat-dan-su-1/an-phi-dan-su/
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về điều kiện khởi kiện và các quy định về án phí vụ án dân sự để anh/ chị xem xét, đánh giá đối với yêu cầu khởi kiện của để có thể đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của mình một cách tốt nhất. Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, anh/chị vui lòng liên hệ tổng đài 1900 6243 để được giải đáp.
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com