Thời gian vừa qua, Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc liên tục xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa giông, gió giật,... Trong những cơn giông, bão, việc cây đổ là chuyện rất thường xuyên xảy ra và cũng không ít trường hợp cây đổ đã gây ảnh hưởng đến tài sản, sức khỏe và tính mạng của người đi đường. Vậy nếu sự cố không may đó xảy ra thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai

Cây gãy đổ bất ngờ, cách nào để phòng tránh?Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

1. Trách nhiệm quản lý cây xanh thuộc về ai?

Trách nhiệm quản lý cây xanh được phân bổ từ Trung ương đến từng địa phương, từ Bộ xây dựng đến UBND các cấp và đến Sở xây dựng. Theo Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị thì việc quản lý cây xanh được phân bổ theo từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý cây xanh các đô thị trên địa bàn tỉnh mình và phân công trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn, phân cấp quản lý cho Ủy ban nhân dân cấp huyện về quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Ở Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đối với toàn bộ hệ thống cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố; tổ chức thực hiện công tác trồng mới cây xanh đô thị, quản lý, duy trì, chăm sóc, bảo tồn hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa và cấp phép chặt hạ, dịch chuyển đối với các cây xanh đô thị theo danh mục thuộc cấp thành phố quản lý.

UBND cấp tỉnh sẽ phân cấp quản lý cho UBND các quận/huyện tổ chức thực hiện quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn của mình. UBND sẽ tổ chức, lựa chọn các nhà thầu là các công ty cây xanh để thực hiện các công việc như trồng cây, chăm sóc, quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn.

Trong phạm vi trách nhiệm của mình, để đảm bảo an toàn cho người đi đường, các cá nhân, đơn vị được giao chăm sóc, bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa các cành cây để phòng tránh các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra trong mùa mưa bão.

2. Trách nhiệm bồi thường khi cây xanh gãy đổ gây thiệt hại cho người đi đường

Theo quy định tại Điều 584 BLDS 2015 được hướng dẫn bởi Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có đầy đủ các yếu tố sau đây:

“a) Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;

b) Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;

Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được của chủ thể bị xâm phạm, bao gồm tổn thất về tài sản mà không khắc phục được; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích hợp pháp khác bị xâm phạm.

Thiệt hại về tinh thần là tổn thất tinh thần do bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền và lợi ích nhân thân khác mà chủ thể bị xâm phạm hoặc người thân thích của họ phải chịu và cần phải được bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thất đó.

c) Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.”

Đồng thời Điều 604 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra như sau: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra.”

Như vậy, nếu có thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng ... của người đi đường khi bị cây đổ, gãy... thì cá nhân, đơn vị chủ sở hữu, chiếm hữu, được giao chăm sóc cây xanh đó phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, không phải bất cứ tình huống nào người bị thiệt hại cũng có thể được bồi thường, bởi pháp luật vẫn có quy định loại trừ trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp “không có yếu tố lỗi” của chủ thể được giao quản lý chăm sóc cây. Cụ thể theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu cây, người được giao chăm sóc cây sẽ không phải bồi thường thiệt hại nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

(1) Sự kiện bất khả kháng.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. (Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015)

Ví dụ:  Các đơn vị quản lý cây xanh hoặc chủ sở hữu của cây xanh đã làm mọi biện pháp như cắt tỉa các cành cây, buộc cây, kiểm tra mối mọt… nhằm hạn chế tai nạn xảy ra cho người đi đường nhưng do gió giật quá mạnh kèm mưa lâu dẫn đến việc đất bị mủn dẫn đến cây bật gốc đè vào người đi đường thì sẽ không phải bồi thường.

Trường hợp này có thể được xem là sự kiện bất khả kháng.

(2) Hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. 

Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt hại xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi.

Ví dụ như người lái xe không đi dưới lòng đường mà chen lên vỉa hè sau đó bị cây đổ vào người thì trường hợp này được coi là lỗi của bên thiệt hại. Tất nhiên là ở trường hợp này, chủ sở hữu hoặc người được giao chăm sóc cây cũng đã thực hiện mọi biện pháp cắt tỉa cành lá rậm rạp, xum xuê, chằng gốc cây chắc chắn …

Để xác định cây đổ làm chết người ai phải bồi thường, cần xem xét kỹ tình huống vụ việc xảy ra, cũng như xác định việc đơn vị quản lý cây xanh đã thực hiện hết trách nhiệm của mình chưa và người đi đường có lỗi hay không.

3. Cây đổ chết người, phải bồi thường bao nhiêu?

Hai bên hoàn toàn có thể thỏa thuận về mức bồi thường hợp lý mà các bên đều có thể chấp nhận, pháp luật cũng tôn trọng sự thỏa thuận này. Tuy nhiên, nếu không thoả thuận được thì căn cứ vào thiệt hại thực tế để tính và sẽ có 2 khoản bồi thường cố định bao gồm: Bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại tinh thần.

Về thiệt hại vật chất, cần xác định mức độ thiệt hại để đưa ra chi phí hợp lý. Cụ thể, nếu chỉ thiệt hại về sức khỏe, áp dụng quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Như vậy, trường hợp cây cối gây ra thiệt hại về sức khỏe cho người khác thì người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

- Thiệt hại khác do luật quy định.

Nếu thiệt hại tính mạng của người đi đường thì việc bồi thường được áp dụng theo quy định tại Điều 591 BLDS 2015 như sau:

“1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Đối với thiệt hại về tinh thần, mức bồi thường tối đa sẽ không quá 10 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng/tháng và có thể thay đổi sau 1/7 tới đây. 

Tuy nhiên, thay vì trông chờ vào việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị quản lý cây xanh trong việc kiểm tra, cắt tỉa cành lá cây cối của họ, cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho chính mình là người dân nên hạn chế ra đường khi có bão, gió và nếu bắt buộc phải di chuyển thì nên thận trọng hết sức có thể. Chúc mọi người bình an và may mắn trên mọi nẻo đường.

==============================================================================================

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer