Cha mẹ tôi có 7 người con, ông bà có tài sản gồm nhà và đất tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Mẹ tôi chết năm 1959, sau khi bà mất thì ba năm sau ông có vợ khác, sinh thêm 1 người con. Ông chết năm 1981, người vợ thứ hai đã ở và sử dụng, trông coi nhà đất trên đến năm 2003 thì mất. Nay anh chị em chúng tôi muốn khởi kiện chia thừa kế đối với di sản bố mẹ tôi để lại. Vậy trong trường hợp này là liệu chúng tôi có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế được không?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:
Bố mẹ bạn (tức người để lại di sản) đều đã mất. Theo thông tin ban cung cấp đều không để lại di chúc. Vì vậy, những người con là người thừa kế hợp pháp theo pháp luật.
Với câu hỏi của bạn về việc có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án chia thừa kế được không, chúng tôi xin trả lời là những người con hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế của bố mẹ chết để lại.
Tuy nhiên, khi thực hiện thủ tục khởi kiện, cần tính đến yếu tố thời hiệu khởi kiện. Mặc dù thời hiệu khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng dân sự không còn là điều kiện tiên quyết khi khởi kiện nhưng vẫn cần được lưu ý bởi, khi một trong các bên đương sự trong vụ án chia thừa kế có yêu cầu áp dụng thời hiệu trong khi thời hiệu thừa kế đã hết thì vụ án sẽ bị đình chỉ giải quyết.
Hiện nay, Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015) có quy định về thời hiệu thừa kế theo Điều 623 BLDS 2015 như sau:
“Điều 623. Thời hiệu thừa kế
- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó….”
Trong quy định nêu trên, nhà làm luật không còn dùng khái niệm thời hiệu khởi kiện chia thừa kế như các pháp lệnh, bộ luật cũ, mà dùng khái niệm rộng hơn là Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế, nội hàm của khái niệm này bao gồm cả khái niệm thời hiệu khởi kiện chia thừa kế.
Bên cạnh đó, thời hiệu mở thừa kế đối với các trường hợp chết trước ngày 10/9/1990 đã được hướng dẫn trong văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Toà án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, tại mục I lại hướng dẫn áp dụng Pháp lệnh thừa kế 1990 và Nghị quyết 02/HĐTP năm 1990 để xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu đối với trường hợp mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu được tính từ ngày 10/9/1990 (ngày có hiệu lực của Pháp lệnh thừa kế 1990).
Do đó, đến nay thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đã hết.
Như chúng tôi đã phân tích hậu quả của việc khởi kiện khi thời hiệu đã hết có thể khiến vụ án đang giải quyết ở Tòa án sau này sẽ bị đình chỉ giải quyết nếu một trong các bên đưa ra yêu cầu áp dụng thời hiệu. Vì vậy, bạn và những người thừa kế cần cân nhắc khi yêu cầu Tòa án giải quyết.
Lưu ý các khoảng thời gian sau đây sẽ không được tính vào thời hiệu khởi kiện, cụ thể:
- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu;
- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong các trường hợp sau:
+ Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân;
+ Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com