Do di chứng sau tai nạn giao thông ảnh hưởng đến não nên chồng tôi có biểu hiện tâm thần. Tôi đã tìm mọi cách chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Đến nay, tài chính gia đình cạn kiệt, tôi muốn bán căn nhà đang sống để chuyển về quê với bố mẹ, thêm kinh phí chữa bệnh cho chồng. Vậy tôi phải làm sao mới có thể bán căn nhà này (căn nhà đứng tên hai vợ chồng)?
Trả lời
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
1, Chồng bị tâm thần, vợ có tự ý bán nhà được không?
Vì căn nhà là tài sản chung của vợ chồng, nên theo Khoản 1 Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình, Điều 35 Luật Hôn nhân gia đình 2014, Điều 213 Bộ luật Dân sự 2015 thì:
+ Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập
+ Trường hợp vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được áp dụng theo chế độ tài sản này.
+ Việc định đoạt tài sản chung (bất kể là nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình) phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng nếu thực hiện các giao dịch liên quan đến Bất động sản; Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Do đó, nếu không có thỏa thuận nào khác, để có thể bán nhà đất là tài sản chung vợ chồng thì bắt buộc phải có sự đồng ý bằng văn bản của của cả hai vợ chồng.
Trường hợp vợ hoặc chồng có biểu hiện tâm thần dẫn đến họ không có/hạn chế khả năng nhận thức thì việc bán nhà nói riêng và xác lập các giao dịch dân sự khác sẽ được thực hiện thông qua người đại diện/người giám hộ cho người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 22 BLDS 2015 như sau:
Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Như vậy, khi chồng bị bệnh tâm thần thì người vợ cũng không được tự ý bán nhà (tài sản chung của vợ chồng) dù là vì mục đích chữa bệnh hay phục vụ các nhu cầu thiết yếu trong gia đình. Khi đó, để vợ có thể bán căn nhà thì người vợ phải làm các thủ tục để trở thành người đại diện cho chồng (mất năng lực hành vi dân sự) theo quy định pháp luật.
2, Thủ tục bán nhà khi chồng bị tâm thần:
Trong trường hợp này bạn cần thực hiện các thủ tục như sau:
Bước 1: Làm thủ tục giám định tại Trung tâm pháp y tâm thần
Bạn đưa chồng đi làm thủ tục giám định tại Trung tâm pháp y tâm thần. Quy trình giám định pháp y tâm thần được thực hiện theo Thông tư 23/2019/TT -BYT
Bước 2: Làm đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố người chồng mất năng lực hành vi dân sự
Khi có kết quả giám định pháp y tâm thần về việc người chồng mất năng lực hành vi dân sự thì bạn gửi đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố người chồng mất năng lực hành vi dân sự theo khoản 1 điều 22 Bộ Luật Dân sự năm 2015 “khi một người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền và lợi ích có liên quan, tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định pháp y tâm thần.”
Bước 3: Sau khi tòa án ra quyết định tuyên bố người chồng mất năng lực hành vi dân sự, khi đó bạn sẽ trở thành người giám hộ của chồng và thực hiện giao dịch dân sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 53, Điều 59, Điều 136 BLDS 2015:
+ Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
+. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
Lưu ý: Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ
+ Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.
+ Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.
+ Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ. (theo quy định tại Điều 51 BLDS 2015)
Sau đó, bạn mới có thể lập và công chứng hợp đồng mua bán rồi thực hiện thủ tục sang tên như các trường hợp thông thường.
Liên hệ tư vấn và thực hiện dịch vụ thành lập cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích thương mại của Công ty Luật TNHH Sao Việt:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com