Em là sinh viên năm 3 đã thuê nhà của một người được gần 03 năm, với giá điện 4000 đồng/số điện. Vừa rồi bác chủ nhà thông báo từ tháng sau sẽ thu tăng lên 4500 đồng/ số điện vì nhà nước mới tăng giá điện. Em rất bức xúc vì giá điện 4000 đồng vốn dĩ đã cao rồi nay lại tăng thêm nhưng bác chủ trọ bảo tính theo giá điện kinh doanh nên thu như vậy là đúng quy định. Vậy em muốn hỏi giá điện cho người thuê trọ được tính như thế nào, nếu chủ trọ thu tiền điện quá cao thì phải làm sao?
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt, đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi trả lời như sau:
Về cách tính giá điện cho người thuê trọ:
Gía điện cho người thuê trọ (thuê nhà để ở) được tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt – quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 16/2014/TT-BCT được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 09/2023/TT- BCT.
Theo đó:
a) Tại mỗi địa chỉ nhà cho thuê, bên bán điện chỉ ký một hợp đồng mua bán điện duy nhất. Chủ nhà cho thuê có trách nhiệm xuất trình sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn của người thuê nhà;
b) Đối với trường hợp cho hộ gia đình thuê: Chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc ủy quyền cho hộ gia đình thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện), mỗi hộ gia đình thuê nhà được tính một định mức;
c) Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình):
- Bên bán điện có trách nhiệm thông báo công khai và cấp định mức cho chủ nhà căn cứ vào sổ tạm trú hoặc chứng từ xác nhận tạm trú của cơ quan Công an quản lý địa bàn. Cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt, cụ thể: 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức;
- Đối với trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà đăng ký tạm trú từ 12 tháng trở lên thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện người lao động hoặc sinh viên thuê nhà ký kết hợp đồng mua bán điện (có cam kết thanh toán tiền điện của chủ nhà). Trường hợp thời hạn thuê nhà dưới 12 tháng thì chủ nhà phải trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện;
- Trường hợp người thuê nhà không ký hợp đồng trực tiếp với bên bán điện thì chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thu tiền điện của người thuê nhà theo đúng giá bán lẻ điện trong hoá đơn tiền điện hàng tháng do đơn vị bán lẻ điện phát hành cộng thêm 10% cho tổn thất điện năng, chi phí chiếu sáng và bơm nước dùng chung;
- Khi có thay đổi về số người thuê nhà, chủ nhà cho thuê có trách nhiệm thông báo cho bên bán điện để điều chỉnh định mức tính toán tiền điện. Bên bán điện có quyền kiểm tra, yêu cầu bên mua điện xuất trình sổ đăng ký tạm trú hàng tháng để xác định số người tính số định mức khi tính toán hóa đơn tiền điện;
- Trường hợp không thể kê khai được số người thì áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt của bậc 3: từ 101 - 200 kWh cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm được tại công tơ.
BẢNG GIÁ ĐIỆN SINH HOẠT HIỆN NAY:
Kể từ 4/5/2023 đã có quyết định 1062/QĐ-BCT chính thức tăng giá điện 3% so với trước đây. Theo đó bảng giá điện sinh hoạt đang được áp dụng như sau:
Định mức sử dụng điện |
Giá bán lẻ điện (đồng/kWh) |
Bậc 1: Cho kWh từ 0 - 50 |
1.728 |
Bậc 2: Cho kWh từ 51 - 100 |
1.786 |
Bậc 3: Cho kWh từ 101 - 200 |
2.074 |
Bậc 4: Cho kWh từ 201 - 300 |
2.612 |
Bậc 5: Cho kWh từ 301 - 400 |
2.919 |
Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên |
3.015 |
Như vậy, ngay khi đã tăng giá điện theo Quyết định 1062/QĐ-BCT thì người thuê trọ cũng chỉ phải trả cao nhất 3015 đồng/ số điện (chưa gồm VAT). Việc chủ nhà trọ thu tiền điện 4000 – 4500 đồng/ số điện là vượt quá so với giá bán quy định. Vì vậy, chủ nhà trọ vi phạm có thể bị phạt hành chính theo khoản 15 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP với mức phạt như sau “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với người cho thuê nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá quy định trong trường hợp mua điện theo giá bán lẻ điện để phục vụ mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.”
Ngoài ra, chủ nhà trọ sẽ phải bắt buộc nộp lại số tiền lợi bất hợp pháp có được do việc thu tiền điện vượt quá giá bán lẻ điện để hoàn trả lại cho người thuê.
Hướng xử lý khi chủ nhà trọ thu tiền điện vượt quá mức quy định:
Theo báo chí đưa tin, tính đến thời điểm hiện nay đã có hơn 18.000 chủ nhà trọ tại Hà Nội và 67.000 chủ nhà trọ tại thành phố Hồ Chí Minh ký cam kết sẽ thu tiền điện đúng quy định.
Vì vậy, nếu phát hiện chủ nhà trọ thu tiền điện sai quy định, sinh viên, người lao động có thể phản ánh đến tổng đài chăm sóc khách hàng của EVN hoặc Sở Công Thương, cụ thể:
Ở Hà Nội:
+ EVNHANOI số 19001288
+ Sở Công Thương qua số 024.22155571 và 024.22155527
Ở Thành phố Hồ Chí Minh:
+ EVNHCM 1900 545454
Tương tự ở các khu vực khác: người dân có thể liên hệ, phản ánh với EVN hoặc sở công thương của tỉnh/ thành đó phù hợp với khả năng của bản thân.
Trên cơ sở phản ánh của người dân, tập đoàn điện lực Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, kiểm tra và xử lý vi phạm
Ngoài ra, người thuê trọ cũng có thể làm đơn trình báo lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện nơi đang thuê nhà. (kèm theo các tài liệu về chứng minh việc thu tiền điện các tháng của chủ nhà).
Sau đó, trong thời hạn 02 ngày – 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được phản ánh về việc vi phạm hành chính, cơ quan có thẩm quyền sẽ cử cán bộ xuống xác minh sự việc và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ nhà.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com