Câu hỏi:

Để có tiền kinh doanh, tôi đã thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng. Khi đến hạn thanh toán nhưng tôi không có tiền trả. Vậy ngân hàng xử lý tài sản bảo đảm của tôi như thế nào? và tôi có được quyền mua lại quyền sử dụng đất đã thế chấp hay không?

(Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trả lời:

Cơ sở pháp lý:

- Bộ luật dân sự 2015;

- Luật thi hành án dân sự năm 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014;

- Nghị định 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm;

Nội dung:

Căn cứ Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 quy định về các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

- Bán đấu giá tài sản;

- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

- Phương thức khác.

Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm như trên thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Đồng thời, theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch bảo đảm thì các bên có thể thỏa thuận phương thức xử lý tài sản bảo đảm như: bán tài sản bảo đảm; bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; bên nhận bảo đảm nhận các khoản tiền hoặc tài sản khác từ người thứ ba trong trường hợp thế chấp quyền đòi nợ và phương thức khác do các bên thỏa thuận.

Điều 300 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định trước khi xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm phải thông báo bằng văn bản trong một thời hạn hợp lý về việc xử lý tài sản bảo đảm cho bên bảo đảm và các bên cùng nhận bảo đảm khác. Đối với tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng dẫn đến bị giảm sút giá trị hoặc mất toàn bộ giá trị thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý ngay, đồng thời phải thông báo cho bên bảo đảm và các bên nhận bảo đảm khác về việc xử lý tài sản đó. Trường hợp bên nhận bảo đảm không thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này mà gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bảo đảm, các bên cùng nhận bảo đảm khác.

Qua những quy định trên, bên thế chấp và bên nhận thế chấp có thể thỏa thuận việc xử lý tài sản bảo đảm đối với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất bằng việc bên thế chấp mua lại tài sản thế chấp nêu trên.

Trường hợp việc xử lý tài sản bảo đảm thông qua phương thức bán đấu giá, theo quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì: “Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức bán đấu giá”.

Như vậy, trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày làm việc, bên thế chấp được nhận lại tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

Trường hợp bên thế chấp không nhận lại tài sản thế chấp theo quy định nêu trên thì khi thực hiện thủ tục thi hành án dân sự (bán đấu giá tài sản), bên thế chấp có thể trở thành người mua tài sản thi hành án. Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com.

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer