Tôi được thừa kế lại một cái khánh từ thời cụ nội. Khi một người bạn đến nhà chơi đã nói cái khánh này có niên đại lâu năm và tôi có thể bán được 20 triệu. Nghe lời giới thiệu của người bạn này giới thiệu, tôi mang bán cho một người khác với giá 25 triệu, chia lại cho bạn 5 triệu coi như tiền hoa hồng. Sau đó người mua đã tặng lại chiếc khánh cho Viện Bảo tàng, lúc đó mới biết chiếc khánh có niên đại hàng nghìn năm rồi, giá trị cực kỳ lớn. Vậy tôi muốn đòi lại chiếc khánh này vì bị lừa dối lúc bán thì có được không? Khả năng tôi đòi được tài sản của mình là bao nhiêu %? Xin được tư vấn giúp.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, Luật sư Sao Việt tư vấn cho bạn như sau:
Theo thông tin bạn cung cấp, quyền sở hữu chiếc khánh ban đầu thuộc về cụ của bạn, sau đó để lại cho bạn, nhưng sau đó bạn đã bán cho người khác với giá 25 triệu đồng thông qua lời giới thiệu của một người bạn. Sau khi mua được cái khánh từ bạn thông qua một hợp đồng mua bán, người mua sau đó mới tặng lại chiếc khánh cho Viện Bảo tàng, vì vậy người xác lập giao dịch tặng cho với Viện bảo tàng là người mua lại, không phải là bạn. Trường hợp này, Bảo tàng được coi là người thứ ba ngay tình và được bảo vệ ngay cả khi giao dịch dân sự vô hiệu. Điều 133 BLDS 2015 quy định về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
…”
Trong trường hợp của bạn, chiếc khánh là tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu và đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì việc tặng cho của người mua cho Viện bảo tàng vẫn có hiệu lực. Từ đó, bạn không có quyền yêu cầu Viện bảo tàng trả lại chiếc khánh cho mình.
Bạn muốn hủy giao dịch dân sự với người bán do bị lừa dối theo trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại Điều 127 BLDS:
“Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.
Tuy nhiên, khi bán chiếc khánh này cho người khác, bạn hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo và tự nguyện. Vì vậy bạn cần phải chứng minh được việc người bạn giới thiệu, cho lời khuyên về giá trị của cái khánh là cố ý để lừa dối bạn, nhằm khiến bạn hiểu sai giá trị của cái khánh nên mới bán cho người khác với giá 25 triệu. Theo đánh giá của chúng tôi, việc chứng minh sẽ khó khăn và lỗi trong việc xác định giá trị của chiếc khánh trong trường hợp này chủ yếu vẫn là do bạn, vì vậy việc khởi kiện ra Tòa để yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự là vô hiệu sẽ không mang lại hiệu quả. Chưa nói đến khả năng thắng kiện hay không, ngay cả khi giao dịch vô hiệu thì bạn cũng không thể đòi lại chiếc khánh, như chúng tôi đã phân tích ở phần trên.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com