Sổ đỏ của gia đình tôi đứng tên chung hộ gia đình bao gồm: bố, mẹ, tôi và em gái tôi. Vì cần tiền gấp nên gia đình đang muốn bán một nửa thửa đất cho người quen, tuy nhiên nhà tôi ở Nam Định còn hiện tại tôi đang làm việc trong Bình Dương không về được. Bố mẹ bảo tôi viết hợp đồng ủy quyền công chứng gửi về để làm thủ tục. Vậy nếu công chứng hợp đồng ủy quyền tại nơi khác (không phải nơi có đất) thì có được không và nếu ủy quyền khi không có người nhận ủy quyền là bố mẹ tôi ở đây thì liệu hợp đồng ủy quyền đó có được công nhận không? Tôi xin cảm ơn.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở nếu không tự mình chuyển nhượng thì có quyền ủy quyền cho người khác thay mặt đại diện mình thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở và để tránh xảy ra tranh chấp khi ủy quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở thì các bên nên công chứng ủy quyền.
- Đối với việc công chứng hợp đồng ủy quyền tại nơi khác không phải nơi có đất:
Theo quy định tại Điều 42 Luật Công chứng 2014:
“Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.”
Như vậy, khi công chứng hợp đồng ủy quyền cho cha mẹ bán đất, bạn có thể công chứng tại bất kỳ tổ chức công chứng nào, kể cả tổ chức công chứng có trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi không có bất động sản.
- Đối với việc công chứng hợp đồng ủy quyền không có mặt người nhận ủy quyền:
Theo Điều 55 của Luật Công chứng năm 2014 quy định về việc công chứng Hợp đồng ủy như sau:
“1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.
2. Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.”
Theo quy định trên trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền. Như vậy, hợp đồng ủy quyền không yêu cầu cả hai bên đều phải có mặt tại cùng một tổ chức hành nghề công chứng để thực hiện việc lập và công chứng.
Xem thêm:
- Phân biệt giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền
- Rủi ro pháp lý khi mua bán đất thông qua hợp đồng ủy quyền
- Hợp đồng ủy quyền theo quy định của bộ luật dân sự 2015
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com