Hoa hậu Việt Nam lộ bảng điểm kém gây sốc, có người chưa tốt nghiệp lớp 12, rò rỉ đoạn tin nhắn "thú tội" cực sốc của ca sỹ…là hàng loạt những tiêu đề giật típ phổ biến trên các trang báo điện tử hiện nay. Dường như, những câu chuyện liên quan đến đời tư, tình cảm của giới nghệ sỹ luôn là đề tài thu hút cư dân mạng, đặc biệt là giới trẻ, các fan, anti fan…Lợi dụng điều này, nhiều kẻ xấu đã bất chấp các thủ đoạn để có thể phanh phui các thông tin, cuộc sống riêng tư của người nổi tiếng ra trước bàn dân thiên hạ. Điều đáng nói là thực trạng soi mói, ném đá giấu tay này vẫn đang diễn ra từng ngày, nó không chỉ xâm phạm đến các quyền cơ bản của con người mà còn là lỗ hổng nghiêm trọng trong đạo đức, văn hóa ứng xử giữa con người với con người.
Ảnh minh họa: Internet
Vậy theo quy định pháp luật, hành vi tự ý công khai thông tin của nghệ sỹ, những người nổi tiếng lên mạng xã hội có thể bị xử lý như thế nào?
Quyền bí mật đời sống riêng tư là quyền bất khả xâm phạm của mọi cá nhân, được ghi nhận trong các Công ước quốc tế về quyền con người và trong các văn bản pháp luật mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, quyền bí mật riêng tư được quy định tại khoản 1 điều 21 Hiến pháp năm 2013: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn" và Điều 38 BLDS 2015 như sau:
“1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Tùy theo tính chất, mức độ và từng trường hợp cụ thể, cá nhân có hành vi tự ý công khai thông tin về đời sống riêng tư của người khác bao gồm cả người nổi tiếng mà không được sự cho phép của họ sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo điều 288 BLHS 2015 hoặc Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 BLHS 2015.
Trách nhiệm hành chính:
Căn cứ theo Điều 84, Khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 triệu – 30 triệu đồng đối với các hành vi:
- Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó
- Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp
- Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân
- Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân
- Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.
Đồng thời người vi phạm buộc gỡ, hủy bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Trách nhiệm hình sự
- Truy cứu TNHS về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nếu “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm…
-Truy cứu TNHS về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điểm b khoản 1Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017:”Người nào thực hiện hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho,sửa chữa,thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính,mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó, thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức cá nhân thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng – 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm…”
Bên cạnh đó, người bị phát tán, công khai thông tin đời tư cá nhân còn có thể yêu cầu cá nhân vi phạm bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015 bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
d) Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com