Bố tôi đã mất từ lâu, đến năm ngoái mẹ tôi bị bệnh nên cũng qua đời, khi mất bà không để lại di chúc phân chia tài sản. Lúc sinh thời, vì thương tôi là anh cả phải nghỉ học sớm để đi làm phụ mẹ nuôi các em nên bà đã cho tôi một mảnh đất ở trong làng (tôi đã làm thủ tục sang tên). Bây giờ còn 200 mét vuông đất với nhà ngày trước bà ở, tôi họp bàn với 2 em là chia đều tài sản nhưng 2 chú không đồng ý, và cho rằng tôi đã được bà cho đất nên phần tài sản này thuộc về 2 chú chứ tôi không được hưởng nữa. Vậy theo pháp luật thì tôi có được hưởng tài sản này nữa không? Và bây giờ tôi phải làm thế nào?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định pháp luật, việc thừa kế di sản và tặng cho tài sản là hai chế định hoàn toàn khác nhau. Cụ thể:
+ Tặng cho tài sản:
Căn cứ theo quy định tại Điều 457, Điều 459 Bộ luật dân sự 2015 thì tặng cho tài sản tặng cho tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận. Nếu tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. => Giao dịch dân sự tặng cho được thực hiện khi các chủ thể còn sống.
+ Thừa kế di sản :
Khác với chế định tặng cho tài sản, thừa kế di sản (bao gồm thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc) chỉ phát sinh sau thời diểm người để lại tài sản chết: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này.” – Điều 611 Bộ luật dân sự 2015
Ngoại trừ trường hợp thừa kế theo di chúc (trong di chúc thể hiện nội dung truất quyền thừa kế của con đã được cho tài sản), thì đối với các trường hợp còn lại, con cái không được hưởng di sản thừa kế nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 gồm:
a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Xem thêm: Trường hợp nào con ruột không được hưởng thừa kế từ bố mẹ?
Đối chiếu với trường hợp của bạn, mẹ bạn mất không để lại di chúc nên toàn bộ di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật. Bạn và 2 người em đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất (Điều 651 Bộ luật dân sự 2015), do đó mỗi người sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau mà không phụ thuộc vào việc bạn đã được bố mẹ tặng cho tài sản trước đó. Trường hợp bạn và 2 em không thể thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì bạn có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế tại Tòa án nhân dân huyện nơi có căn nhà và mảnh đất trong thời hạn 30 năm kể từ thời điểm mở thừa kế.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com