Tôi cho người quen vay tiền nhưng không có giấy vay, chỉ có tin nhắn vay nhưng họ phủ nhận và cho là bị hack nick nên không trả. Tôi tính khi nói chuyện với họ sẽ ghi âm lại để làm bằng chứng họ có vay tiền tôi, vậy cho tôi hỏi liệu ghi âm lén thì có được Tòa chấp nhận làm chứng cứ không? Tôi xin cảm ơn.

Ảnh minh họa, nguồn: Internet.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau: 

Chứng cứ trong các vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp theo quy định tại Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

Bản ghi âm trong đó có thể hiện thông tin người kia vay tiền của bạn được coi là một trong những nguồn của chứng cứ quy định tại Điều 94 Bộ luật tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 95 về xác định chứng cứ thì “Tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.”

Do đó, để xác định đoạn băng ghi âm được coi là chứng cứ thì bạn cần xuất trình được kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ hoặc văn bản về sự việc liên quan đến việc ghi âm như: Văn bản xác nhận nội dung cụ thể được ghi âm trong băng ghi âm có đầy đủ chữ ký các bên hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó… Trong trường hợp của bạn, bên cạnh việc giao nộp đoạn bằng ghi âm thì bạn cần có thêm văn bản trình bày về vụ việc trong băng thu âm, kèm theo những tin nhắn về việc vay mượn tiền.

Như thông tin bạn cung cấp thì người vay tiền đang phủ nhận việc có vay tiền từ bạn, phủ nhận tin nhắn vay tiền, vậy thì chắc chắn họ sẽ không thừa nhận giọng nói ghi âm là của họ, cũng sẽ không xác nhận văn bản nội dung ghi âm, do đó bạn phải yêu cầu cơ quan giám định kết luận giọng nói ghi âm là của người vay tiền, thì đoạn ghi âm đó mới có giá trị pháp lý.

Nếu thiếu sót căn cứ dẫn đến việc tòa án không chấp nhận băng ghi âm của bạn là chứng cứ của vụ án thì đoạn băng ghi âm đó cũng có thể được xem là tài liệu có liên quan, có giá trị tham khảo chứ không có giá trị chứng minh trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

 

 

 

 

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer