Tôi cho bạn tôi vay tiền có giấy tờ nhưng trong giấy vay tiền không có thời hạn vay mà chỉ ghi lãi, do tin tưởng nên chúng tôi chỉ thoả thuận bằng miệng mà không viết vào giấy vay. Nay đã đến thời hạn trả nợ mà hai bên thoả thuận miệng, nhưng phía bên vay không thực hiện việc trả nợ và cũng chỉ trả lãi cho tôi được 1 năm. Hiện giờ gia đình tôi đang rất khó khăn cần tiền muốn yêu cầu bên vay trả tiền thì có đòi được không?
Ảnh minh hoạ, nguồn: Internet.
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về Công ty Luật TNHH Sao Việt, đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Giao dịch cho vay tiền có 02 loại giao dịch cho vay có kỳ hạn và không có kỳ hạn. Trường hợp cho vay có kỳ hạn thì số ngày vay và thời hạn trả nợ phải được ghi rõ trong giấy vay nợ, nếu trong giấy vay tiền không ghi rõ thời hạn trả nợ thì được xác định là hợp đồng vay không kỳ hạn. Hợp đồng vay không kỳ hạn là hợp đồng mà các bên không thoả thuận về thời hạn vay, do đó bên cho vay có quyền đòi lại tài sản vay bất kỳ thời điểm nào nhưng phải thông báo cho bên vay một khoảng thời gian hợp lý để bên vay chuẩn bị tài sản trả cho bên vay. Hết thời hạn thông báo mà bên vay không trả tài sản thì bị coi là vi phạm hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 469 Bộ luật Dân sự 2015 về thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn như sau:
“Điều 469. Thực hiện hợp đồng vay không kỳ hạn
1. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.”
Theo quy định tại Điều này, đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi, bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào và được nhận lãi tính đến thời điểm trả tài sản vay nhưng phải thông báo cho bên vay một thời hạn hợp lý.
Hiện nay chưa có quy định chính xác bao lâu được coi là “thời hạn hợp lý” để bên cho vay thông báo cho người vay về thời điểm trả tài sản. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quy định như sau:
“Điều 6. Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả
3. “Thời gian chậm trả” hướng dẫn tại các điều 3, 4 và 5 Nghị quyết này được xác định như sau:
a) Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn thì thời gian chậm trả nợ gốc bắt đầu kể từ ngày tiếp theo liền kề của ngày hết “thời gian hợp lý” đến thời điểm xét xử sơ thẩm. “Thời gian hợp lý” quy định tại Điều 474 của Bộ luật Dân sự năm 1995, Điều 477 của Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 469 của Bộ luật Dân sự năm 2015 do Tòa án căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xem xét, quyết định nhưng không quá 03 tháng kể từ ngày thông báo;
Như vậy, trong trường hợp cho vay tiền không có ghi thời hạn trong giấy vay tiền thì bạn có quyền thông báo bằng văn bản cho bên vay về thời hạn sẽ đòi nợ trong phạm vi 03 tháng. Trong thời hạn phạm vi 03 tháng kể từ ngày gửi đi thông báo, nếu bên kia vẫn không chịu trả tiền thì bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để đòi nợ theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
=================================================================================
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com