Câu hỏi:
Tôi hiện đang có một vấn đề thắc mắc muốn hỏi Luật sư. Hiện nay, trên mạng facebook đang ầm ĩ vụ hot girl Bella có những hành động bất thường đối với con trai mới chỉ 2 tháng tuổi như phả khói thuốc lá vào mặt con, bế con đi lang thang khắp nơi và còn có thông tin pha thuốc ngủ vào sữa cho con trai uống. Nhiều người còn cho rằng với người có biểu hiện về thần kinh như Bella thì phải cách ly khỏi con để tránh xâm hại tới cháu bé. Tuy nhiên, bản thân Bella đã tuyên bố rằng cô sẽ tự nuôi con chứ không cho ai nuôi hộ hết. Vậy, tôi muốn hỏi có thể tước quyền nuôi con của Bella hay không, bởi nếu để như vậy sẽ rất tội nghiệp cho cháu bé?
TRẢ LỜI:
Chào bạn! Trước thắc mắc của bạn, Phòng Tranh tụng thuộc Công ty Luật TNHH Sao Việt có ý kiến giải đáp như sau:
Hiện nay pháp luật nước ta chưa có khái niệm “tước quyền nuôi con” như nhiều người vẫn sử dụng.Thay vào đó, đối với trường hợp cha mẹ không có đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục con cái là trẻ em (người dưới 16 tuổi), hoặc có những hành vi làm tổn hại đến tinh thần sức khỏe của các bé, pháp luật nước ta có những quy định nhằm can thiệp, ngăn chặn, bao gồm:Tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế(quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em 2016 và hướng dẫn tại Điều 32 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật trẻ em 2016); Hạn chế quyền nuôi con (Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình 2014).
* Những việc làm của Bella như báo chí đề cập có thể gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của cháu bé con trai Bella, đây là những hành vi có dấu hiệu xâm hại trẻ em - theo khoản 5 điều 4 Luật trẻ em 2016 (quy định: “Xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác”) .Đối với các hành vi mang tính chất xâm hại này, cơ quan chức năng có thể áp dụng biện pháp can thiệp là tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế - theo quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em 2016 và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 32 Nghị định 56/2017 (quy định:“Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em được thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em”). Thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp hạn chế và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế nêu trên thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã và Cơ quan lao động - thương binh và xã hội cấp huyện nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra hành vi xâm hại trẻ em (theo khoản 3 Điều 52 Luật trẻ em 2016).
* Ngoài ra, cộng đồng mạng còn cho rằng Bella có vấn đề về thần kinh, mất năng lực hành vi dân sự, nên không đủ điều kiện nuôi cháu bé nên có quan điểm cho rằng cần cách ly cháu bé với người mẹ này. Trước hết, cần khẳng định rằng:Hiện tại Bella dù có một số biểu hiện của bệnh thần kinh đi chăng nữa thì về mặt pháp lý Bella vẫn là người có đầy đủ năng lực hành vi (bởi việc xác định một người có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không phải bằng bản án, quyết định của Tòa án). Mặt khác, dù có bản án, quyết định của tòa án đi chăng nữa, thì hiện nay pháp luật cũng không hề có quy định cha, mẹ bị hạn chế, mất năng lực hành vi thì không được nuôi con. Đây cũng là vấn đề mà hiện nay pháp luật còn bỏ ngỏ, mặc dù trên thực tế việc một người bị mất năng lực hành vi dân sự không còn ý thức được hành vi của mình, và thông thường sẽ không thể đủ thể chất lẫn tinh thần để chăm sóc con cái. Hiện nay, chỉ có thể cách ly trên phương diện thực tế những người mất năng lực không thể chăm sóc con cái họ, còn trên phương diện pháp lý thì chưa có quy định bắt buộc.
Trước các phản ánh, lên án của dư luận trong thời gian qua, các cơ quan bảo vệ quyền trẻ em cần vào cuộc, thực hiện việc giám sát đối với những hành vi của Bella, nếu có đầy đủ căn cứ về mối nguy hại đối với cháu bé thì cần áp dụng ngay biện pháp tạm thời cách ly để tránh những ảnh hưởng xấu cho cháu bé sau này. Tuy nhiên, cũng không nên áp dụng một cách bừa bãi, cảm tính tránh việc chia lìa tình cảm mẫu tử thiêng liêng một cách không cần thiết.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về thắc mắc của bạn, rất cảm ơn bạn đã quan tâm.