Vợ chồng tôi đã ngoài 70 tuổi, chúng tôi có 2 người con: 1 gái và 1 trai. Nhận thấy sức khỏe mình đã xuống, các con lại chuẩn bị lập gia đình nên chúng tôi đã bàn bạc thống nhất cho con trai út mảnh đất và ngôi nhà vợ chồng tôi ở với điều kiện phải phụng dưỡng, chăm sóc khi chúng tôi về già và không được bán nhà cho đến khi chúng tôi chết. Tuy nhiên, sau khi cho nhà đất thì con trai tôi có những hành vi bất hiếu, không chăm sóc, thậm chí muốn đuổi chúng tôi ra khỏi chính căn nhà đó. Vậy giờ chúng tôi muốn đòi lại căn nhà đó được không?

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Thông thường, giao dịch tặng cho nhà đất sẽ có giá trị pháp lý và không thể đòi lại được sau khi cá nhân đã hoàn tất 02 thủ tục gồm:

+ Tặng cho và công chứng hợp đồng tặng cho

+ Đăng ký biến động đất đai tại cơ quan có thẩm quyền (sang tên sổ đỏ)

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015, đối với trường hợp tặng cho tài sản có điều kiện, người đã tặng cho vẫn có thể đòi lại tài sản nếu bên nhận không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm điều kiện tặng cho:

"Điều 462. Tặng cho tài sản có điều kiện

1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại."

Theo thông tin bạn trình bày, bạn đã làm hợp đồng tặng cho và sang tên cho con mảnh đất cùng với nhà ở trên đất, với điều kiện con phải chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ khi về già, và không được bán nhà đất trước khi bố mẹ qua đời. Xét thấy đây là những điều kiện tặng cho hoàn toàn hợp lý, không vi phạm quy định pháp luật. Vì vậy, khi các con – với tư cách là người được nhận tặng cho tài sản vi phạm nghĩa vụ thì vợ chồng bạn hoàn toàn có quyền đòi lại tài sản. Tuy nhiên, do bạn không nói rõ điều kiện này được thể hiện dưới hình thức nào, có được ghi nhận trong hợp đồng tặng cho hay không nên sẽ có các trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Hợp đồng tặng cho nhà đất có ghi rõ điều kiện (nghĩa vụ của các con)

Nếu hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa bạn và con trai có ghi rõ điều kiện là con trai phải có nghĩa vụ phụng dưỡng, chăm sóc với cha, mẹ, không được bán nhà đất khi bố mẹ còn sống, thì vợ chồng bạn hoàn toàn có quyền đòi lại nhà đất nếu có căn cứ chứng minh được việc con trai đã vi phạm nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ.

Khi đó, nếu vợ chồng bạn và con trai không thỏa thuận được về việc trả lại căn nhà và mảnh đất cho bạn thì vợ chồng bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nơi có bất động sản để đòi lại mảnh đất và căn nhà của mình.

Trường hợp 2: Hợp đồng tặng cho nhà đất không ghi rõ điều kiện nhưng có các văn bản, tài liệu khác (ví dụ như biên bản họp gia đình…) có liên quan thể hiện các bên đã có thỏa thuận, thống nhất về điều kiện tặng cho và điều kiện tặng cho là hợp pháp. Bạn đọc xem tại Đây

Trường hợp 3: Hợp đồng tặng cho nhà đất không ghi điều kiện và không có các văn bản, tài liệu nào thống nhất về điều kiện tặng cho hợp pháp. Trường hợp vợ chồng bạn cho con trai đất với điều kiện con phải chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ khi về già và không được bán nhà đất khi bố mẹ còn sống; nhưng các điều kiện này chỉ thể hiện dưới hình thức thỏa thuận miệng mà không thể hiện trong hợp đồng tặng cho tài sản hay văn bản, tài liệu khác, thì khi đó, trên phương diện pháp lý, hợp đồng tặng cho nhà đất giữa bạn và con trai chỉ được xem là hợp đồng tặng cho không điều kiện. Do đó, nếu con trai bạn đã hoàn tất thủ tục sang tên sổ đỏ thì bạn không thể đòi lại nhà đất đã cho con nữa trừ trường hợp có các yếu tố thể hiện Hợp đồng tặng cho bị vô hiệu do vi phạm các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự theo Điều 117 BLDS 2015  như : bên tặng cho mắc bệnh tâm thần, không có hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; việc tặng cho là do bị ép buộc, lừa dối; mục đích và nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội… Khi đó, các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

 

Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer