Tôi thế chấp một ngọn đồi trồng cây lâu năm để đầu tư vào ao cá. Sau đó, có một người bạn muốn thuê lại ngọn đồi của tôi để trồng cây xen kẽ, tôi đã đồng ý. Tuy nhiên khi bên nhận thế chấp biết việc tôi cho thuê lại ngọn đồi thì không đồng ý và đòi tôi phải trả thêm 50% tiền từ việc cho thuê. Tôi muốn hỏi việc tôi cho thuê lại có cần sự đồng ý của bên nhận thế chấp không và tiền cho thuê có phải trả một phần cho người nhận thế chấp không? Tôi xin cảm ơn.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Thế chấp tài sản là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà khi thực hiện thế chấp, bên thế chấp vẫn được quyền giữ tài sản đã đem ra thế chấp. Các quyền lợi của bên thế chấp được quy định cụ thể tại Điều 321 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm:
- Khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản thế chấp, trừ trường hợp hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp theo thỏa thuận.
- Đầu tư để làm tăng giá trị của tài sản thế chấp.
- Nhận lại tài sản thế chấp do người thứ ba giữ và giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp do bên nhận thế chấp giữ khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.
- Được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.
- Được cho thuê, cho mượn tài sản thế chấp nhưng phải thông báo cho bên thuê, bên mượn biết về việc tài sản cho thuê, cho mượn đang được dùng để thế chấp và phải thông báo cho bên nhận thế chấp biết.
- Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.
Như vậy, trường hợp của bạn được phép cho thuê ngọn đồi đã thế chấp mà không cần sự đồng ý của bên nhận thế chấp nhưng phải thực hiện nghĩa vụ “thông báo” cho bên nhận thế chấp biết về việc cho thuê.
Đối với tiền cho thuê ngọn đồi, đây được coi là “lợi tức” - khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Theo khoản 1 Điều 321 BLDS nêu trên thì khai thác công dụng, hưởng lợi tức từ tài sản thế chấp là quyền của bên thế chấp, trừ trường hợp khi thế chấp bạn thỏa thuận hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp. Nếu không có thỏa thuận coi hoa lợi, lợi tức cũng là tài sản thế chấp thì bạn được toàn quyền hưởng tiền cho thuê ngọn đồi mà không phải trả cho người nhận thế chấp bất kỳ khoản nào.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với trường hợp của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com