Chào Luật sư. Tôi là giáo viên dạy mầm non, vì tin tưởng đồng nghiệp nên tôi có cho một người dạy cùng trường vay 200 triệu. Tôi có giấy nợ người này hẹn sau 6 tháng sẽ trả hết khoản nợ này, nhưng tôi có hỏi thăm một số người quen ở quê người này thì họ bảo chị ta chuyên lừa đảo, đã bỏ đi khỏi quê để trốn nợ. Vậy bây giờ tôi có thể kiện chị ta tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không? Làm sao để lấy lại tiền vì đã qua thời hạn 6 tháng nhưng chị ta vẫn nhất quyết không trả.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Về vấn đề bạn đang thắc mắc, chúng tôi giải đáp như sau:

- Việc bạn muốn kiện người vay tiền tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

Căn cứ theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

g) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

…”

Về tội phạm này, hành vi của nó phải là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác mà ngay thời điểm chiếm đoạt thì người bị hại không biết đó là hành vi gian dối. Ở đây thủ đoạn gian dối có thể là đưa ra thông tin không đúng sự thật khiến người bị hại tin đó là thật và giao tài sản của mình cho người phạm tội. Do đó, bạn cần cung cấp cho chúng tôi thông tin cụ thể về lý do bạn cho họ vay tiền, nội dung giấy vay tiền,... để chúng tôi đưa ra đánh giá chính xác về vụ việc của bạn. Nếu chỉ dựa vào việc bạn hỏi thăm người quen và biết được họ từng lừa đảo, bỏ trốn khỏi quê hương và đi kiện thì không hợp lý và cũng khó mà kiện được.

- Nếu bạn muốn lấy lại tiền:

Chúng tôi khuyên bạn nên khởi kiện dân sự yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Bạn làm đơn khởi kiện gửi lên Tòa án nhân dân cấp huyện, đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tránh để người vay nợ có cơ hội tẩu tán tài sản. Bạn có thể tham khảo các quy định về Biện pháp khẩn cấp tạm thời trong dân sự tại đây. 

 

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer