Tôi cho người bạn xã hội vay 350 triệu có giấy viết tay. Đến nay đã quá hạn hơn 1 năm nhưng bạn tôi vẫn không trả nợ cho tôi mặc dù họ vẫn mua xe mới và sống sung túc. Tôi muốn khởi kiện ra tòa để đòi nhưng sợ họ sẽ tẩu tán tài sản để trốn nợ. Vậy có cách nào để ngăn ngay khi Tòa án mới thụ lý đơn khởi kiện hay không?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Khi tiến hành khởi kiện ra Tòa án để đòi nợ, bạn có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm ngăn chặn việc con nợ tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Cụ thể theo quy định tại Điều 111 Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2015 thì:
“1. Trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 của Bộ luật này có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
2. Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay chứng cứ, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó”.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nhằm tránh để con nợ có thể tẩu tán tài sản bao gồm:
- Kê biên tài sản đang tranh chấp
- Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp
- Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp
- Phong tỏa tài sản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phòng tỏa tài sản ở nơi gửi giữ
- Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ
Như vậy, để tránh trường hợp đương sự có thể tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án dân sự, pháp luật đã quy định quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 ngay từ giai đoạn nộp đơn và Tòa án mới thụ lý đơn khởi kiện.
Tuy nhiên, để có thể ngăn chặn việc con nợ của bạn tẩu tán tài sản trước cả khi Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, bạn nên chủ động thu thập thông tin về các tài sản của con nợ một cách kín đáo, cần chuẩn bị tất cả tài liệu, giấy tờ khởi kiện, chứng cứ chứng minh và giữ bí mật trước khi nộp đơn khởi kiện ra Tòa. Thực tế đã xảy ra rất nhiều vụ việc mà bị đơn “nghe ngóng” được thông tin nguyên đơn khởi kiện nên đã nhanh chóng tẩu tán toàn bộ tài sản trước khi chủ nợ kịp nộp đơn khởi kiện. Khi đó, dù chủ nợ đã nộp đơn đồng thời yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng cũng không còn hiệu quả.
Về thủ tục yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện các bước như sau:
Bước 1: Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chính sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
d) Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
đ) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
e) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
Bước 2: Thực hiện biện pháp bảo đảm trong vòng 2 ngày. Người nộp đơn phải nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định nhưng phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu.
Khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá phải được gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn do Tòa án ấn định.
Trong trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ thì khoản tiền bảo đảm được gửi giữ tại Tòa án. Tòa án phải làm thủ tục giao nhận và gửi ngay khoản tiền đó vào ngân hàng vào ngày làm việc tiếp theo.
Thời hạn xử lý: Trong thời hạn 48 giờ, kể từ thời điểm nhận được đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và chứng cứ kèm theo để xác định yêu cầu khởi kiện có thuộc thẩm quyền thụ lý giải quyết của Tòa án đã nhận đơn hay không. Trường hợp yêu cầu khởi kiện thuộc thẩm quyền thì tiếp tục xem xét giải quyết đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 10 Nghị quyết này. Trường hợp yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền thì trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và các chứng cứ kèm theo cho họ.
Lưu ý: Nếu yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại cho người bị áp dụng BPKCTT hoặc người thứ ba, thì người yêu cầu phải bồi thường thiệt hại.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu còn vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com