Giữa tháng 6 vừa rồi, tự nhiên tài khoản em nhận được 10 triệu không biết do ai chuyển nhầm. Em đợi hơn nửa tháng rồi nhưng không thấy ai liên hệ lấy lại tiền kể cả bên phía nhân viên ngân hàng. Vậy bây giờ em sử dụng tiền đấy thì có vi phạm pháp luật không? Mong Luật sư tư vấn giúp em!
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Theo quy định tại Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015, chỉ có các trường hợp chiếm hữu tài sản sau mới được coi là hợp pháp:
a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.
Như vậy, việc bạn nhận được tiền của người lạ chuyển vào tài khoản không thuộc một trong các trường hợp chiếm hữu có căn cứ quy định tại khoản 1 nêu trên, vì vậy, việc giữ số tiền đó trong tài khoản được coi là hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Theo đó, khi nhận được số tiền này, bạn phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này. (Điều 579 BLDS 2015)
Tuy nhiên, việc sử dụng số tiền được chuyển nhầm vào tài khoản vẫn được coi là hợp pháp nếu:
Trường hợp 1: Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ theo quy định tại Điều 228 BLDS 2015:
Sau khi phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, bạn phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại.Việc giao nộp phải được lập biên bản, trong đó ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người giao nộp, người nhận, tình trạng, số lượng, khối lượng tài sản giao nộp.
Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã đã nhận tài sản phải thông báo cho người phát hiện về kết quả xác định chủ sở hữu.
Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai mà không xác định được ai là chủ sở hữu tài sản là động sản thì quyền sở hữu đối với động sản đó thuộc về người phát hiện tài sản.
Trường hợp 2: Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật theo quy định tại Điều 236 BLDS
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 184, Điều 236 BLDS 2015, Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Nói cách khác, số tiền chuyển nhầm vào tài khoản sẽ thuộc sở hữu của cá nhân bạn nếu thỏa mãn các yếu tố sau:
- Việc chiếm hữu tài sản là ngay tình: người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu.
- Công khai: việc chiếm hữu được thực hiện một cách minh bạch, không giấu giếm; tài sản đang chiếm hữu được sử dụng theo tính năng, công dụng và được người chiếm hữu bảo quản, giữ gìn như tài sản của chính mình.
- Liên tục: việc chiếm hữu được thực hiện trong một khoảng thời gian mà không có tranh chấp về quyền đối với tài sản đó hoặc có tranh chấp nhưng chưa được giải quyết bằng một bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác, kể cả khi tài sản được giao cho người khác chiếm hữu.
- Đáp ứng điều kiện về thời hạn: Việc chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm kể từ ngày tiền được chuyển vào tài khoản.
Từ những phân tích nêu trên, việc sử dụng tiền được chuyển nhầm và tài khoản cá nhân chỉ được coi là hợp pháp nếu thuộc 2 trường hợp nêu trên. Nếu cá nhân cố tình tiêu xài và không trả lại dù vì bất cứ lý do gì thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 2 – 5 triệu đồng theo điểm e khoản 2 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hoặc bị truy cứu TNHS về tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 174 BLHS.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com