Tôi muốn được tư vấn vụ việc như sau: Năm 2018, khi tham gia giao thông, tôi bị một xe ô tô đi ngược chiều tông phải. Vụ tai nạn khiến tôi mất đi đôi chân và mất hoàn toàn khả năng lao động, chiếc xe của tôi cũng hư hỏng hoàn toàn. Tài xế gây tai nạn sau đó được xác định không có bằng lái xe và sử dụng rượu bia. Sau nhiều lần xét xử thì tài xế gây tai nạn phải chịu phạt 6 năm tù và bồi thường cho tôi 3 tỷ đồng. Hiện nay, bố mẹ của người gây tai nạn đang quản lý căn nhà và tài sản của họ, nhưng họ không chấp hành việc thi hành án. Từ ngày xảy ra tai nạn đến nay, họ chỉ gửi tôi 20 triệu tiền viện phí sau đó trốn biệt. Tôi muốn hỏi nếu người đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án mà cố chấp đến cùng không thực hiện yêu cầu trao tài sản để thi hành án thì họ có phải chịu trách nhiệm gì với pháp luật không, có cách nào xử phạt họ không? Tôi phải làm sao để nhanh chóng lấy được tiền bồi thường? 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

Việc thu tiền của người phải thi hành án đang do người khác nắm giữ được pháp luật quy định tại Điều 81 Luật thi hành án dân sự 2008 như sau:

“Trường hợp phát hiện người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án thì Chấp hành viên ra quyết định thu khoản tiền đó để thi hành án. Người thứ ba đang giữ tiền của người phải thi hành án có nghĩa vụ giao nộp tiền cho Chấp hành viên để thi hành án. Chấp hành viên lập biên bản thu tiền, cấp biên lai cho người thứ ba đang giữ tiền và thông báo cho người phải thi hành án. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của người làm chứng.”

Ngoài ra, tại Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự cũng hướng dẫn việc thi hành án khi người thứ 3 đang nắm giữ tài sản của người phải thi hành án như sau:

1. Khi có căn cứ xác định tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án thì Chấp hành viên lập biên bản làm việc hoặc có văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản giao nộp cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án.

Tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên về việc giao nộp số tiền, tài sản đó thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế để thi hành án.

Chi phí cưỡng chế thi hành án do người giữ tài sản phải thi hành án chịu.

2. Trường hợp người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án không thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên mà giao tiền, tài sản đó cho người phải thi hành án hoặc người khác dẫn đến việc không thể thi hành được cho người được thi hành án thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án.

Chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành án chịu.

Theo quy định này thì người thứ ba đang giữ tiền, tài sản của người thi hành án mà cố tình không giao tiền, tài sản đó ra dẫn đến việc không thể thi hành án được thì họ sẽ phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, đồng thời phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên khoản tiền bồi thường này phải hợp lý và có thể chứng minh được. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 165 Luật Thi hành án dân sự thì: 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện các quyết định về thi hành án thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường; nếu là cá nhân thì còn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

- Xử phạt hành chính:

Đối với hành vi không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định; trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi THA, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng theo quy định tại Điểm a, c Khoản 3 Điều 64 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP.

- Xử lý hình sự:

Điều 380 Bộ luật Hình sự quy định về tội không chấp hành án như sau: “1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…”

Tuy nhiên, điều luật có quy định dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này là “đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế”, vì vậy người có hành vi không chấp hành án nhưng chưa bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản đã kê biên,… thì không chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Về việc bạn muốn nhanh chóng lấy được tiền bồi thường, chúng tôi phải nắm rõ hồ sơ, giấy tờ, thông tin về tài sản cần thi hành án của người phải thi hành, qua đó mới có thể đưa ra phương án hợp lý nhất cho bạn được.

Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -            
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"         

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer