Gần đây, con trai tôi ( 14 tuổi) có biểu hiện tâm thần nên gia đình đã đưa cháu vào bệnh viện để điều trị. Trong thời gian điều trị ở bệnh viện, cháu đã trèo tường sang nhà người dân rồi đập phá đồ đạc. Bây giờ họ đòi gia đình tôi phải bồi thường.Tôi muốn hỏi trường hợp như vậy thì cháu có được coi là mất năng lực hành vi dân sự không và gia đình tôi có trách nhiệm phải bồi thường hay phía bệnh viện đang quản lý cháu phải bồi thường?
Ảnh minh họa: Internet
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Để làm rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người bị tâm thần gây ra, ta cần hiểu rõ một số nội dung như sau:
Thứ nhất, địa vị pháp lý của người bị tâm thần:
Y học nhận định bệnh tâm thần là hình thức tâm lý hoặc hành vi cá biệt, người bệnh thường mất đi khả năng ứng xử và phát triển bình thường, trở nên đau khổ, ảnh hưởng những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày và các mối quan hệ xã hội.
Dưới góc độ pháp luật, người bị bệnh tâm thần được coi là người mất năng lực hành vi dân sự nếu thỏa mãn các yếu tố sau đây:
+ Bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác
+Không thể nhận thức, làm chủ được hành vi
+ Người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Như vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 BLDS 2015, người bị bệnh tâm thần chỉ được coi là mất năng lực hành vi dân sự nếu thỏa mãn các yếu tố nêu trên. Trường hợp cá nhân có biểu hiện tâm thần nhưng không có kết luận là người mất năng lực hành vi dân sự từ Tòa án thì cá nhân đó không được coi là mất năng lực hành vi dân sự.
Thứ hai, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người tâm thần gây ra:
Vì nội dung bạn đề cập chưa đầy đủ thông tin nên có 2 trường hợp xảy ra như sau:
Trường hợp 1: người bị bệnh tâm thần đã có quyết định của Tòa án tuyên bố là người mất năng lực hành vi dân sự, trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
“Người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác phải bồi thường thiệt hại xảy ra.
Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý; trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường.” ( Quy định tại Điều 599 BLDS 2015)
Trường hợp 2: Nếu cá nhân (dưới 15 tuổi) có biểu hiện tâm thần mà không được coi là người mất năng lực hành vi dân sự theo quy định pháp luật, sẽ áp dụng nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 586 BLDS 2015: “Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu”.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com