Bố em cần vay 1 khoản tiền lớn nên đã đề nghị vay tiền ngân hàng, nhưng phía ngân hàng yêu cầu phải có thành viên của gia đình gồm vợ, các con làm Hợp đồng ủy quyền tài sản (sổ đỏ) cho bố em. Em có nhớ là đến ngân hàng, họ yêu cầu mẹ con em ký giấy ủy quyền cho bố em mảnh đất đó, còn bố em ký vào một hợp đồng ủy quyền thế chấp tài sản lại cho ngân hàng. Mẹ con em chỉ ký nháy vào hợp đồng đó thôi. Bây giờ, mẹ con em không muốn chịu trách nhiệm chung của người ủy quyền ban đầu thì có cách nào để chấm dứt không ạ? Mong Luật sư tư vấn giúp em?

Hình ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Internet

Trả lời:

Chào bạn, cám ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt, chúng tôi tư vấn bạn như sau: Theo những thông tin bạn cung cấp thì ngân hàng yêu cầu mẹ bạn và bạn ký Hợp đồng ủy quyền cho bố bạn được thực hiện việc thế chấp tài sản (quyền sử dụng đất của gia đình) với ngân hàng để bố bạn vay một khoản tiền. Cho nên, về nguyên tắc thì việc ủy quyền để vay tiền và đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng đã phát sinh hiệu lực. Do đó, chúng tôi hiểu rằng công việc ủy quyền đã hoàn thành nên việc chấm dứt ủy quyền cũng không làm chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm của Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất trước đó mà bạn và mẹ bạn đã ký.

Tuy nhiên, do chúng tôi không nắm rõ nội dung ủy quyền là gì nên không thể xác định được công việc, phạm vi ủy quyền và hiệu lực pháp luật của hợp đồng ủy quyền đó tới đâu để có thể tư vấn chi tiết hơn. Bạn có thể căn cứ vào Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau:

1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Từ quy định trên, nếu bạn xác định được hợp đồng ủy quyền mà mẹ bạn và bạn đã ký có những vi phạm hoặc không đầy đủ các điều kiện về chủ thể, nội dung ủy quyền và hình thức của hợp đồng ủy quyền thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng ủy quyền vô hiệu để xác định lại quyền, nghĩa vụ của mình đối với Hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp mà bố của bạn đã ký với ngân hàng.

Để nhận được ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, bạn đọc vui lòng liên hệ với các Luật sư, chuyên viên pháp lý của Công ty Luật TNHH Sao Việt qua:

Tổng đài tư vấn pháp luật 1900 6243 hoặc 0243 636 7896

E-mail: congtyluatsaoviet@gmail.com

 
Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer