Tôi là Việt Kiều ở Đức, tháng 8/1993, tôi có về VN và nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông X một mảnh đất ruộng 500m2. Sau đó tôi giao cho em ruột của tôi canh tác để nuôi cha mẹ. Do tôi là người định cư ở nước ngoài nên đã để vợ chồng em trai đứng tên. Năm 2023, em trai tôi vì chơi bời nên vỡ nợ, vợ chồng em trai tôi định bán mảnh đất trên lấy tiền trả nợ. Giờ tôi muốn đòi lại mảnh đất trên nhưng em dâu tôi nhất định không đồng ý vì nói rằng đây là tài sản chung của vợ chồng họ, giờ tôi phải làm thế nào ?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Căn cứ theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật đất đai 2013
“16. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Như vậy, việc một người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ xác định người đó có quyền sử dụng đất, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Trong trường hợp của bạn, sẽ rất khó để đòi lại được mảnh đất trên vì hiện tại mảnh đất đó đã mang tên vợ chồng em của bạn, và họ đã sống ổn định lâu dài trên mảnh đất đó, tuy nhiên vì bạn là người bỏ tiền ra mua đất và để vợ chồng người em đứng tên nên bạn hoàn toàn có thể khởi kiện đến TAND cấp tỉnh nơi có đất để đòi lại tiền mình đã bỏ ra mua đất.
Để quyền lợi của mình được đảm bảo một cách tối đa,ngoài đơn khởi kiện, bản sao giấy tờ tùy thân của bạn và người bị kiện, bạn phải có ít nhất những giấy tờ sau đây:
+ Giấy tờ mua bán đất có chữ ký của các bên mua, bán trong đó có cả chữ ký của bạn
+ Giấy tờ giao nhận tiền (Chứng minh được việc bạn là người giao dịch, trả tiền chuyển nhượng mua mảnh đất)
+ Tài liệu, giấy tờ chứng minh việc bạn nhờ vợ chồng em trai đứng tên hộ (Trong trường hợp không có văn bản trên, có thể thu thập chứng cứ bằng cách nhờ người chuyển nhượng làm chứng, ….)
Trường hợp của bạn khi khởi kiện ra Tòa, Toà án sẽ áp dụng Án lệ 02/2016/AL xử lý tranh chấp kiện đòi tài sản:
NỘI DUNG ÁN LỆ
“Tuy bà Thảnh là người bỏ 21,99 chỉ vàng để chuyển nhượng đất (tương đương Khoảng 27.047.700 đồng). Nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên ông Tám và sau khi nhận chuyển nhượng ông Tám quản lý đất, sau đó chuyển nhượng cho người khác. Như vậy, lẽ ra phải xác định ông Tám có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất nên phải xác định số tiền trên (sau khi trừ tiền gốc tương đương 21,99 chỉ vàng của bà Thảnh) là lợi nhuận chung của bà Thảnh và ông Tám. Đồng thời xác định công sức của ông Tám để chia cho ông Tám một phần tương ứng với công sức của ông mới đúng và đảm bảo quyền lợi của các đương sự (Trường hợp không xác định được chính xác công sức của ông Tám thì phải xác định bà Thảnh, ông Tám có công sức ngang nhau để chia).”
Khái quát nội dung của án lệ:
Trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã bỏ tiền ra để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhờ người ở trong nước đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ mình, khi giải quyết tranh chấp thì Tòa án phải xem xét và tính công sức bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất cho người đứng tên hộ; trường hợp không xác định được chính xác công sức của người đó thì cần xác định người thực chất trả tiền để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ có công sức ngang nhau để chia phần giá trị chênh lệch tăng thêm so với tiền gốc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ban đầu.
Như vậy, theo như Án lệ trên thì Tòa án sẽ không phán quyết người đứng tên hộ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải hoàn trả toàn bộ lại cho người chủ thực tế của đất, mà Tòa án sẽ xét vào góc độ công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất của người đứng tên sở hữu bất động sản để chia cho người đứng tên hộ một phần tương ứng với công sức của người đó để đảm bảo quyền lợi
Áp dụng vào trường hợp của bạn, tuy bạn là người bỏ tiền ra để mua mảnh đất trên nhưng giấy tờ chuyển nhượng đứng tên vợ chồng em trai bạn, vì vậy toà án sẽ xác định vợ chồng em trai bạn có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn, tôn tạo làm tăng giá trị đất để chia cho vợ chồng em trai bạn một phần tương ứng với công sức đóng góp, bên cạnh đó vợ chồng em trai bạn sẽ phải hoàn trả cho bạn số tiền gốc ban đầu mua mảnh đất cộng với phần giá trị chênh lệch tài sản hiện tại (Phần giá trị tài sản chênh lệch hiện tại này sẽ do TAND xem xét đến công sức đóng góp của mỗi người và ra quyết định)
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com