Luật sư ơi cho cháu hỏi: Cháu hiện đang học lớp 9, vừa rồi trong giờ học cháu có sử dụng để ghi âm và chụp lại bài giảng của thầy cô hộ một bạn – bạn đấy bị ốm và không thể đến lớp. Tuy nhiên ngay lúc đó, một thầy bên đoàn trường đi qua, vô tình nhìn thấy nên đã tịch thu điện thoại của cháu. Cháu muốn hỏi nhà trường tịch thu điện thoại của học sinh như vậy là đúng hay sai quy định? Trong quá trình thu giữ, nếu giáo viên làm hỏng, mất điện thoại thì học sinh có được yêu cầu bồi thường không ạ?
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:
Để phát huy hiệu quả việc học trên lớp của học sinh, hạn chế sự xao nhãng, Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, trong đó có quy định : nghiêm cấm học sinh “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.” - khoản 4 Điều 37 Thông tư 32/2020.
Như vậy, học sinh chỉ được sử dụng điện thoại di động ở trường học khi có cả 2 yếu tố: + Phục vụ cho việc học tập
+ Được giáo viên cho phép
Mặc dù học sinh tự ý sử dụng điện thoại làm việc riêng trong giờ là vi phạm nội quy trường học, nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa với việc nhà trường, giáo viên được phép tịch thu điện thoại của học sinh vì:
+ Thứ nhất, tịch thu - bản chất là biện pháp tước quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu, thường do cơ quan nhà nước thực hiện. Ví dụ tịch thu tài sản của người phạm tội để nộp vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính
+ Thứ hai, cá nhân có quyền sở hữu đối với tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt. Quyền năng này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và Bộ Luật dân sự 2015 ( Điều 163) "Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản."
Như vậy, chỉ cơ quan nhà nước mới có thẩm quyền tịch thu tài sản của cá nhân, việc tịch thu được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Do đó nhà trường không được áp dụng biện pháp tịch thu điện thoại đối với học sinh tự ý sử dụng điện thoại ở trường. Tuy nhiên trên thực tế, ở nhiều trường học, khi phát hiện học sinh tự ý sử dụng điện thoại ở trường, tùy theo mức độ thầy cô có thể sẽ yêu cầu học sinh cất điện thoại vào, hoặc tạm thời tịch thu một thời gian nhất định rồi trả lại. Việc tịch thu hoặc áp dụng biện pháp khác chỉ nhằm mục đích nhắc nhở, răn đe để học sinh đảm bảo chất lượng học tập tốt trên lớp. Do đó, nếu bạn muốn sử dụng điện thoại để ghi âm và chụp lại bài giảng giúp học sinh khác thì trước đó bạn cần phải trao đổi trực tiếp với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm để các thầy cô thống nhất hoặc đưa ra phương án khác giúp học sinh nghỉ ốm có thể nắm bắt được kiến thức, chương trình học.
Về trách nhiệm bồi thường khi điện thoại bị hỏng trong thời gian tịch thu: khi thu giữ điện thoại của học sinh, giáo viên sẽ có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn nguyên vẹn tình trạng điện thoại như ban đầu, tôn trọng quyền bí mật điện thoại của học sinh. Trong thời gian thu giữ, nếu điện thoại bị hỏng hóc hay mất, tùy theo nguyên nhân hỏng hóc sẽ có 2 trường hợp như sau:
+ Điện thoại bị hỏng, lỗi hỏng do các tác nhân bên trong thì GV không phải bồi thường
+ Điện thoại hỏng do có tác động bên ngoài hoặc sự kiện bất khả kháng: như đã nêu trên, giáo viên không có quyền tịch thu điện thoại học sinh, vì vậy người giữ điện thoại phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục có gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com