Quê tôi ở Hải Hậu,Nam Định. Cách đây chục năm, vợ chồng tôi vào Nam làm ăn và không đăng ký tạm trú, tạm vắng. Đến năm ngoái mua được nhà, tôi mới làm thủ tục đăng ký tạm trú tại TP.HCM. Nay vợ chồng tôi muốn nhận con nuôi (con của một người bạn làm việc cùng) vậy chúng tôi phải nộp hồ sơ đăng ký nhận con nuôi ở đâu? Nếu không có hộ khẩu thì có làm được không? Tôi xin cảm ơn.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi được quy định tại Khoản 1, Điều 9 của Luật Nuôi con nuôi như sau:
“Điều 9. Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi
1. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.”
Như vậy, việc đăng ký nuôi con nuôi của bạn có thể thực hiện tại UBND xã nơi cháu bé có hộ khẩu, hoặc ở UBND xã nơi bạn có đăng ký thường trú.
Nếu nơi cháu bé có hộ khẩu thuận tiện cho việc nộp hồ sơ, thực hiện thủ tục đăng ký nhận con nuôi thì bạn nên thực hiện ở đó. Theo thông tin bạn cung cấp thì hai vợ chồng có hộ khẩu trước đây tại Hải Hậu, Nam Định tuy nhiên hiện tại đã đăng ký tạm trú tại TPHCM. Hiện nay hộ khẩu giấy đã được thu hồi (hủy bỏ), thay vào đó người dân có thể sử dụng thông tin trong CCCD gắn chip; đồng thời hồ sơ đăng ký nhận con nuôi không yêu cầu sổ hộ khẩu nên bạn vẫn có thể thực hiện thủ tục bình thường.
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 7 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi, thẩm quyền xác nhận về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú thực hiện. Do đó, trong trường hợp của bạn, UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú có thể phối hợp cùng UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi đăng ký tạm trú để tiến hành đánh giá về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi.
Về thủ tục nhận con nuôi, bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm:
1. Giấy tờ của cha mẹ nuôi
- Đơn xin nhận con nuôi
- Hộ chiếu, Chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (bản sao)
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp.
2. Giấy tờ của con nuôi
- Giấy khai sinh;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
Sau đó, bạn nộp hồ sơ đến UBND xã nơi có thẩm quyền, UBND xã sẽ tiến hành kiểm tra, lấy ý kiến của cha mẹ đẻ. Nếu xét thấy hai bên có đủ điều kiện theo quy định thì UBND xã sẽ tổ chức đăng ký nuôi con nuôi và trao Giấy chứng nhận cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng… và ghi vào Sổ hộ tịch.
Thời hạn xét duyệt hồ sơ: 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lý.
Thời hạn trao giấy chứng nhận: 20 ngày kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người phải lấy ý kiến của cha mẹ nuôi.
Nếu UBND xã từ chối thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com