Câu hỏi .
Tôi và chồng tôi kết hôn năm 2013, chồng tôi là sĩ quan trong lực lượng quân đội, tôi là giáo viên tiểu học. Chúng tôi có con chung được 5 tuổi. Chồng tôi không may bị mắc bệnh hiểm nghèo mất năm 2018, khi mất chồng tôi không để lại tài sản gì. Sau khi chồng tôi mất chồng tôi được trợ cấp theo chế độ trợ cấp mai táng và tuất hàng tháng theo quy định của pháp luật và khoản tiền hỗ trợ 12 tháng lương cơ bản theo ngân sách của Bộ quốc phòng, tổng cộng hơn 100 triệu đồng. Bố mẹ chồng tôi cho rằng tôi mới về nhà chồng được vài năm nên không được nhận gì từ số tiền đó, còn lấy hết tiền phúng viếng trong lễ tang và số tiền mà vợ chồng tôi tích góp, vay mượn thêm để chuẩn bị mua đất vì hiện nay vợ chồng tôi vẫn ở nhà tập thể. Vậy Luật Sao Việt cho tôi hỏi, việc làm như vậy của bố mẹ chồng tôi như vậy có đúng không? Tôi phải làm gì để có thể đảm bảo được quyền lợi của mình?
Trả lời mang tính chất tham khảo
- Cơ sở pháp lý
- Nội dung
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi đưa ra một số ý kiến như sau:
- Về tiền hưởng chế độ tử tuất hàng tháng: chồng bạn đã mất do mắc bệnh và số tiền tuất của chồng bạn được chi trả hàng tháng. Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì khi những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội mất thì thân nhân của họ được hưởng tiền tuất hàng tháng. Thân nhân bao gồm:
+ Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai;
+ Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Căn cứ theo quy định trên thì những người đáp ứng các điều kiện trên thì được hưởng tiền tuất hàng tháng chứ không phải chỉ có bố mẹ chồng bạn được hưởng toàn bộ số tiền tuất đó.
- Đối với khoản tiền phúng viếng thì bạn và bố mẹ chồng bạn nên có sự thỏa thuận và thống nhất về việc phân chia số tiền đó. Đây là việc trong gia đình bạn nên mọi người trong gia đình cần thống nhất để giải quyết hợp lý.
- Đối với khoản tiền vợ chồng bạn tích góp và đi vay để mua đất mà chưa mua được nếu được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân thì đó là tài sản chung của vợ chồng bạn căn cứ Điều 213 BLDS 2015. Về việc này bạn cũng cần phân tích để bố mẹ chồng bạn hiểu và không can thiệp đến số tiền đó nữa.
Trường hợp giữa bạn và bố mẹ chồng không thể thống nhất được việc sử dụng cũng như phân chia số tiền nêu trên và nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bạn thì bạn có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án giải quyết.