Tôi muốn hỏi việc khi hai bên ký hợp đồng với nhau, nếu trong hợp đồng chỉ thỏa thuận về việc phạt vi phạm, không đề cập đến vấn đề bồi thường thiệt hại. Vậy nếu một trong hai bên vi phạm nghĩa vụ và gây ra thiệt hại tài chính cho bên còn lại thì có thể yêu cầu bồi thường và phạt vi phạm được không? Tôi xin cảm ơn.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:
Thỏa thuận phạt vi phạm là thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ sẽ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm. Điều 418 Bộ luật dân sự quy định về thỏa thuận phạt vi phạm như sau:
“1. Phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.
2. Mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
3. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.
Theo quy định trên thì nếu hợp đồng chỉ thỏa thuận về phạt vi phạm mà không thỏa thuận về việc phải chịu cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.
Tuy nhiên, cũng theo quy định tại điều 419 Bộ luật dân sự về thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng thì “2. Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại.
3. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc”.
Đồng thời, khoản 2 Điều 307 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định, trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật này có quy định khác. Theo quy định này, có thể hiểu, các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại mà không cần phải thỏa thuận việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại như quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Có thể thấy, các quy định hiện hành đang có sự mâu thuẫn với nhau về việc cùng áp dụng phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp không có thỏa thuận từ trước. Theo quan điểm của Luật Sao Việt, chúng tôi cho rằng ngay cả khi hợp đồng chỉ thỏa thuận về phạt vi phạm, bên bị thiệt hại vẫn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Bởi vì bản chất của việc bồi thường thiệt hại là khi có thiệt hại xảy ra, trách nhiệm bồi thường nhằm bồi hoàn lại lợi ích vật chất hoặc tinh thần bị thiệt hại do hành vi vi phạm của bên kia. Vì vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh ngay cả khi các bên không có quy định trước về vấn đề này trong hợp đồng. Việc không thỏa thuận bên vi phạm vừa phải chịu phạt vi phạm, vừa phải bồi thường thiệt hại không thể và cũng không nên là căn cứ để bác bỏ quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com