Tôi có thực hiện giao dịch cầm cố tài sản là 2 chiếc ô tô du lịch do cần tiền để đầu tư và góp vốn làm ăn cách đây 1 tuần với thời hạn hợp đồng thế chấp là 02 tháng. Tuy nhiên tôi mới phát hiện gần đây bên nhận thế chấp là ông Ng.V.A đã cho thuê 2 chiếc xe đó của tôi để thu tiền dịch vụ. Hành vi đó tôi có thể khởi kiện ông A được không vì như vậy khi chuộc lại xe phần hư hại hoặc hao mòn tài sản tôi sẽ là người chịu.
Nguồn ảnh: Internet
Trả lời:
Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luật Sao Việt. Đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo như thông tin mà bạn cung cấp thì hành vi đó của bên nhận thế chấp là ông A thực hiện khi mà hợp đồng thế chấp tài sản chưa kết thúc hoặc chưa quá hạn.
Theo quy định tại Điều 313 và Điều 314 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 313. Nghĩa vụ của bên nhận cầm cố
1. Bảo quản, giữ gìn tài sản cầm cố; nếu làm mất, thất lạc hoặc hư hỏng tài sản cầm cố thì phải bồi thường thiệt hại cho bên cầm cố.
2. Không được bán, trao đổi, tặng cho, sử dụng tài sản cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác.
3. Không được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khá.
Điều 314. Quyền của bên nhận cầm cố
1. Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.
2. Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.
4. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Nếu như trong hợp đồng hoặc hai bên không có thỏa thuận dưới hình thức khác về việc ông A có quyền cho thuê tài sản là 2 chiếc xe du lịch của bạn để thu tiền dịch vụ thì hành vi tự ý cho thuê của ông A đã vi phạm pháp luật dân sự về nghĩa vụ của bên nhận cầm cố tài sản. Ngoài ra, bạn là bên cầm cố tài sản, quyền của bạn trong trường hợp này được quy định tại Điều 312 Bộ luật dân sự 2015:
Điều 312. Quyền của bên cầm cố
1. Yêu cầu bên nhận cầm cố chấm dứt việc sử dụng tài sản cầm cố trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 314 của Bộ luật này nếu do sử dụng mà tài sản cầm cố có nguy cơ bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.
2. Yêu cầu bên nhận cầm cố trả lại tài sản cầm cố và giấy tờ liên quan, nếu có khi nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt.
3. Yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.
4. Được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản cầm cố nếu được bên nhận cầm cố đồng ý hoặc theo quy định của luật.
Như vậy, nếu như khi bạn đưa ra yêu cầu đối với ông A theo đúng phạm vi quyền của mình mà ông A không thực hiện thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để xử lí hành vi của ông A.
Trên đây là tư vấn của Luật Sao Việt đối với câu hỏi của bạn. Nếu trong quá trình thực hiện các thủ tục nếu gặp phải các vấn đề cần được giải đáp, bạn vui lòng liên hệ:
Liên hệ sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật:
- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -
"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"
TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243
Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Hà Nội
Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com