Thứ nhất, sau bao nhiêu ngày bạn có thể thông báo mất tích để tìm bố.
Theo Điều 74, Bộ luật Dân sự 2005 quy định:“Khi một người biệt tích sáu tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự và có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt theo quy định tại Điều 75 của Bộ luật này”.
Như vậy sau 6 tháng kể từ ngày bố bạn văng mặt ở nơi cư trú, gia đình bạn có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm bố bạn.
Trong trường hợp bố bạn biệt tích hai năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc bố bạn còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan (bạn, mẹ bạn…), Toà án có thể tuyên bố bố bạn mất tích theo quy định tại Điều 78 Bộ luật dân sự. Thời hạn hai năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng của bố bạn; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
Thứ hai, Về việc tìm hiểu số tài sản bố bạn đã đem gửi ở Ngân hàng
Theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng thì: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho tổ chức, cá nhân khác, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng.
Sự chấp thuận của khách hàng được thể hiện qua hình thức ủy quyền theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin bạn cung cấp thì tài sản bố bạn gửi ở Ngân hàng là tài sản chung của bố mẹ bạn. Tuy nhiên, số tài sản đó lại do một mình bố bạn đi gửi (bố bạn đứng tên khách hàng gửi) nên nếu bạn và bố bạn muốn tìm hiểu số tài sản bố bạn đã gửi ở Ngân hàng thì phải được bố bạn ủy quyền.
Ngoài ra, Ngân hàng chỉ cung cấp thông tin về tài sản do bố bạn gửi ở Ngân hàng trong trường hợp:
- Phục vụ hoạt động nội bộ của tổ chức nhận tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng.
- Theo yêu cầu bằng văn bản của Tổng Giám đốc tổ chức bảo hiểm tiền gửi khi tổ chức này thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định.
- Theo yêu cầu bằng văn bản của các cơ quan Nhà nước trong quá trình thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.