Xin chào Luật Sao Việt, tôi muốn được tư vấn về vấn đề như sau: Bố mẹ tôi do cần tiền để làm ăn kinh doanh nên đã cùng đứng tên vay ngân hàng, thế chấp bằng Quyền sử dụng đất của mẹ tôi. Nhưng vì làm ăn thua lỗ không có tiền trả, mẹ tôi đã tự tử vào năm 2020 còn bố tôi đã trốn nợ, không có mặt tại địa phương. Đến nay, khoản nợ đã quá hạn. Thưa Luật sư, tôi muốn biết pháp luật hiện nay xử lý tài sản bảo đảm của mẹ tôi như thế nào? Tôi cảm ơn Luật sư!

Trả lời:

Chào bạn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật TNHH Sao Việt. Về vấn đề của bạn, chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn như sau:

Theo quy định tại Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015, việc thế chấp tài sản sẽ chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt.

2. Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

3. Tài sản thế chấp đã được xử lý.

4. Theo thỏa thuận của các bên.vụ trả nợ cho ngân hàng.

Đồng thời, một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng theo quy định tại Điều 422 Bộ luật dân sự là 3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện.”

Vì vậy, trong trường hợp của bạn thì khoản nợ trên là khoản nợ chung của bố mẹ bạn, hai người đều liên đới thực hiện nghĩa vụ trả nợ, mặc dù mẹ của bạn chết nhưng bố của bạn vẫn còn sống nên vẫn có nghĩa vụ độc lập trả nợ cho ngân hàng. Do đó, hợp đồng vay tiền không đương nhiên chấm dứt và việc thế chấp tài sản cũng không chấm dứt khi không có các căn cứ tại Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Ngoài bố bạn, các con và những người thừa kế khác cũng sẽ có nghĩa vụ trả nợ trong phần di sản thừa kế mẹ bạn để lại. Những người thừa kế tài sản có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người chết trong phạm vi di sản thừa kế, căn cứ theo Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015:

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Như vậy, nếu người chết có di chúc thì những người hưởng tài sản theo di chúc có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng. Nếu không có di chúc thì những người thừa kế theo pháp luật có trách nhiệm trả nợ thay hoặc tự thỏa thuận để 1 người đứng ra trả nợ.

Ngân hàng có quyền yêu cầu bố của bạn hoặc tất cả những người cùng thừa kế phải trả nợ.

Về viêc giải quyết trường hợp bên bảo đảm hoặc người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết căn cứ theo Điều 50 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“Trường hợp bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết thì việc thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác đã được xác lập trước thời điểm bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm chết hoặc trước thời điểm bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết.

Trường hợp xác định được người hưởng di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho người này theo địa chỉ được xác định như thông báo cho bên bảo đảm quy định tại Điều 51 Nghị định này.

Trường hợp chưa xác định được người hưởng di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm mà nghĩa vụ được bảo đảm đã đến hạn thực hiện thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Như vậy, ngân hàng có trách nhiệm thông báo cho người nhận di sản (bố của bạn, bạn và những người hưởng thừa kế kế khác) trước khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm là mảnh đất trên.

Về thứ tự thực hiện phân chia di sản trước hay xử lý tài sản bảo đảm trước, vì pháp luật không có quy định cụ thể nên ngân hàng hoàn toàn có quyền xử lý tài sản bảo đảm trước, mặc dù việc này có thể dẫn đến việc không bảo đảm thứ tự ưu tiên thanh toán theo Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 2015 nếu tài sản bảo đảm không đủ để thực hiện các nghĩa vụ.

Nếu gia đình bạn không trả nợ thì bên nhận thế chấp (ngân hàng) cũng có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng mà không cần phải có tham gia của những người nhận thừa kế mà chỉ cần tuân thủ nghĩa vụ thông báo cho người hưởng di sản hoặc người quản lý di sản.

Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được áp dụng theo Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

“1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:

a) Bán đấu giá tài sản;

b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;

c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

d) Phương thức khác.

2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.”

===============================================================================

- CÔNG TY LUẬT TNHH SAO VIỆT -   

"Sự bảo hộ hoàn hảo trong mọi quan hệ pháp luật"      

TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT: 1900 6243

Địa chỉ tư vấn trực tiếp: Số 525B Lạc Long Quân, P. Xuân La, Q. Tây Hồ, Tp. Hà Nội 

Gửi thư tư vấn hoặc yêu cầu dịch vụ qua Email: congtyluatsaoviet@gmail.com

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer