Vợ chồng tôi có cho vợ chồng anh L, chị H vay một khoản tiền. Đến năm 2014 vợ chồng L, H không có khả năng trả nợ nên vợ chồng tôi đã kiện L và H, Tòa án xét xử vợ chồng tôi thắng kiện và buộc L, H phải trả số tiền đó cho vợ chồng tôi. Ngày 11/01/2016, Chi cục thi hành án dân sự huyện Đông Anh ban hành Quyết định Thi hành án số 25/QĐ-CCTHADS theo yêu cầu của người được thi hành án. Qua xác minh điều kiện THA thì người phải thi hành án là vợ chồng L, H có 2 chiếc xe ô tô tải là đối tượng để kê biên đảm bảo thi hành án nên vợ chồng tôi đã gửi đơn đề nghị ngăn chặn mọi giao dịch liên quan đến 02 chiếc ô tô đó ngày 05/3/2016, tuy nhiên đến nay Quyết định thi hành án vẫn chưa được thực thi, qua xác minh hiện nay 01 chiếc ô tô nói trên đã bị chuyển nhượng và đăng ký tên chủ sử dụng mới ngày 16/4/2016. Vì vậy, trong trường hợp này phải xử lý như thế nào cho đúng luật?

Trả lời: 

          Căn cứ khoản 1 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều luật thi hành án thì cả 02 chiếc ô tô nói trên vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, cụ thể như sau:

1. Kể từ thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, nếu người phải thi hành án chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố tài sản cho người khác mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án và không còn tài sản khác hoặc tài sản khác không đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên, xử lý để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Khi kê biên tài sản, nếu có người khác tranh chấp thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Thi hành án dân sự.

Trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố cho người khác thì tài sản đó bị kê biên, xử lý để thi hành án; Chấp hành viên có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đối với tài sản đó vô hiệu hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch đối với tài sản đó.

          Qua nội dung như bạn trình bày, việc người phải thi hành án đã chuyển nhượng 01 chiếc xe ô tô sau khi Bản án có hiệu lực và có Quyết định thi hành án, đồng thời bạn cũng đã có đề nghị ngăn chặn mọi giao dich đối với tài sản trên mà chiếc ô tô đó vẫn bị chuyển nhượng và đăng ký mới ở đây mà không dùng số tiền đó để thi hành án và không có tài sản khác để thi hành án được xác định là hành vi tẩu tán tài sản của người có nghĩa vụ nên nó vẫn thuộc đối tượng có thể bị kê biên đảm bảo thi hành án.

          Ngoài ra, việc để tài sản bị tẩu tán cũng có dấu hiệu vi phạm quy định về đảm bảo thi hành án của Chấp hành viên, do đó, do đó, căn cứ Điều 10 Luật THADS sửa đổi, bổ sung 2014 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với Cơ quan, tổ chức và cá nhân vi phạm quy định của Luật này bạn có thể yêu cầu trách nhiệm bồi thường của Chấp hành viên nếu có thiệt hại xảy ra.

====================

Trên đây là câu trả lời của chúng tôi dựa trên luật định. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi, cũng như những góp ý từ phía bạn đọc.

Nếu còn vướng mắc hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác, mời bạn vui lòng liên hệ tổng đài 1900 6243 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Sao Việt

Bình Luận

© 2018 SAOVIETLAW.COM Bản quyền thuộc về công ty Công Ty Luật TNHH Sao Việt

logo-footer